Kon Tum: Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách để phát triển kinh tế
Để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã kiến UBND Kon Tum cần hỗ trợ đăng ký mã vùng trồng dược liệu, nuôi trồng thuỷ hải sản và phát triển du lịch.
>>Công nghiệp dược liệu - “làn gió mới” cho kinh tế Tây Nguyên
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình đối thoại với doanh nhân từ trước đến nay, đã ghi nhận ghi nhận được 66 vấn đề khó khăn, vướng mắc từ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm 61 vấn đề. Riêng 5 kiến nghị khó khăn, vướng mắc của Công ty TNHH tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách đã được lãnh đạo UBND tỉnh cùng các Sở, ban ngành trao đổi gỡ khó ngay tại buổi đối thoại.
Đáng chú ý, Hội doanh nhân trẻ kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ xây dựng và đăng ký mã vùng trồng đối với sản phẩm dược liệu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu dược liệu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sớm triển khai bộ thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện để các tổ chức, cá nhân được phép triển khai các mô hình du lịch, nuôi trồng thủy sản, trồng rau – hoa nổi trên lòng hồ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Tấn Liêm đánh giá các mô hình phát triển kinh tế trên mặt nước, lòng hồ của Hội doanh nhân trẻ là dám nghĩ dám làm. Nếu trở thành hiện thực, sẽ giúp địa phương phát huy lợi thế của lòng hồ, phát triển kinh tế xã hội.
>>Kon Tum: Cải thiện môi trường kinh doanh, “hút” nhà đầu tư
Ngoài ra, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị cho phép một số Hiệp hội ngành nghề tham gia góp ý trong thiết kế khu du lịch Măng Đen. Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông bố trí quỹ đất rừng để khách du lịch khi đến tham quan tại các địa phương có thể kết hợp trồng cây lưu niệm. Quan tâm giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm cho biết, tỉnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân. Giúp cung cấp UBND tỉnh và các sở, ngành các thông tin quý báu để có hướng giải quyết, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đồng thời, ông Sâm cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, thường xuyên trao đổi thông tin, xây dựng, phản ánh, bổ sung chính sách liên quan đến doanh nghiệp để hoạt động thu hút đầu tư của địa phương được nâng cao hơn./.
Có thể bạn quan tâm
Đối thoại chính sách thuế - hải quan: Nhiều vấn đề được tháo gỡ…
12:59, 18/12/2023
Buôn Ma Thuột chủ động đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp
14:25, 14/12/2023
Kon Tum: Cải thiện môi trường kinh doanh, “hút” nhà đầu tư
15:06, 26/10/2023
Kon Tum: Thúc đẩy giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp
15:36, 20/10/2023
Phát triển du lịch Măng Đen trở thành ngành kinh tế giàu bản sắc
14:48, 01/12/2023