Vì sao UAE đang xích lại gần hơn với Trung Quốc?

CẨM ANH 20/12/2023 03:30

Các chuyên gia dự đoán, mối quan hệ hợp tác giữa UAE và Trung Quốc sẽ dần trở thành một kết nối kinh tế quan trọng trong năm 2024.

>> Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN/Getty.

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN/Getty.

Một quan chức của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, nước này đang tận dụng mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc để cùng đầu tư vào Châu Phi và Nam Thái Bình Dương, đồng thời xem xét việc tăng cường giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Tổng lãnh sự UAE tại Trung Quốc Shaikh Saoud Ali al-Mualla cho biết, các liên doanh này diễn ra sau một thập kỷ UAE hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực cảng, khu chế xuất và cơ sở hạ tầng khác. “Cả hai nước đang mở rộng hợp tác thông qua đầu tư chung vào các hòn đảo ở Thái Bình Dương và lục địa châu Phi”, ông nói thêm.

Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi trong gần một phần tư thế kỷ sau khi nhận thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và cơ hội hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực vốn bị Mỹ bỏ qua. Bên cạnh đó, phần lớn khu vực châu Phi và Trung Đông đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo cơ sở dữ liệu đầu tư FDI Markets, UAE là nhà đầu tư toàn cầu lớn thứ tư ở Châu Phi với khoản đầu tư đạt khoảng 60 tỷ USD trong thập kỷ qua, bao gồm cả các cảng và cơ sở hạ tầng khác. UAE cũng đầu tư 10 tỷ USD vào quỹ dành cho châu Phi do Trung Quốc đứng đầu.

Ở khu vực Nam Thái Bình Dương, thương mại và ngoại giao của Trung Quốc đã phát triển trong những năm gần đây, trong khi UAE đã phân bổ ít nhất 50 triệu USD cho các dự án tại khu vực này, nơi họ có thể phát triển công nghệ carbon thấp và củng cố quan hệ đối ngoại.

>> Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Một phần cảng thương mại Khalifa của UAE. Ảnh: Reuters.

Một phần cảng thương mại Khalifa của UAE. Ảnh: Reuters.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và UAE đã được cải thiện đáng kể. Cùng với Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Argentina, UAE đã trở thành thành viên của nhóm BRICS.

“Trong số tất cả các quốc gia tham gia Vành đai và con đường nằm trong khu vực vùng Vịnh, UAE có vị trí chiến lược để củng cố vai trò là nhà điều phối chính về thương mại và đầu tư ở khu vực Trung Đông, Châu Phi và Nam Á”, ông Shaikh Saoud Ali al-Mualla nói.

Đối với UAE, việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này mở rộng vị thế trên toàn cầu. Động thái này cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế UAE khi đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm không gian, y học, tài chính và công nghệ dự kiến sẽ gia tăng.

Đặc biệt, sự phát triển của Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bền vững và sản xuất hàng đầu sẽ góp phần củng cố tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tri thức của UAE. 

Đối với Trung Quốc, UAE xếp thứ 8 trong số 80 quốc gia là địa điểm đầu tư quan trọng. Hiện nay, có khoảng hơn 4.000 công ty Trung Quốc đã hoạt động tại UAE, nhắm tới 100 triệu dân ở khu vực vùng Vịnh. Đặc biệt, Cosco Shipping, nhà khai thác container lớn nhất thế giới, sử dụng Cảng Khalifa ở thủ đô Abu Dhabi của UAE làm trung tâm cho các hoạt động ở Trung Đông.

Ông cho biết sự hiện diện của Cosco đã cho phép tăng cường các hoạt động giao thương giữa Đông Á và vùng Vịnh, đồng thời nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa tổng thể hàng năm của cảng.

Theo Naubahar Sharif, người đứng đầu bộ phận chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các nhà đầu tư Trung Quốc coi UAE là “bàn đạp” để xâm nhập vào các quốc gia khác. “Điều này phù hợp với khả năng của UAE trong việc trở thành một bên của trung tâm kinh tế toàn cầu mới", ông Naubahar đánh giá. Ông cũng nói thêm rằng, việc sử dụng đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ tăng lên ở UAE và các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường trong những năm tới.

Tương tự, ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của The Economist Intelligence Unit, cho biết UAE cho phép Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mở ra một cửa ngõ vào phần còn lại của Trung Đông, cùng với châu Phi.

Chuyên gia này nói: “Vào thời điểm các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng coi trọng việc tránh rủi ro, UAE cũng nổi bật là một điểm đến an toàn, với mức độ rủi ro hoạt động và rủi ro ngoại giao tương đối thấp”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đức “bắt tay” UAE đẩy lùi khủng hoảng năng lượng

    Đức “bắt tay” UAE đẩy lùi khủng hoảng năng lượng

    02:00, 02/10/2022

  • Trung Quốc tìm cách tránh

    Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"

    03:30, 18/12/2023

  • Khoảng 65 tỷ USD sẽ chảy khỏi thị trường vốn Trung Quốc vào năm 2024

    Khoảng 65 tỷ USD sẽ chảy khỏi thị trường vốn Trung Quốc vào năm 2024

    05:00, 17/12/2023

  • Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

    Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

    03:30, 17/12/2023

CẨM ANH