Ba trụ cột phát triển của Quảng Ngãi
Với điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Minh khẳng định, quy hoạch mới của Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phát triển dựa trên sự hài hòa giữa 3 trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường". Mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và cụm công nghiệp tập trung, logistics, kết hợp các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nông nghiệp chất lượng cao và phát triển kinh tế biển.
- Ông có thể chia sẻ những mục tiêu của tỉnh khi xây dựng quy hoạch mới của Quảng Ngãi, thưa ông?
Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là công cụ đặc biệt quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Qua rà soát, đánh giá thực hiện các quy hoạch thời kỳ trước, cho thấy tỉnh Quảng Ngãi cần phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên các tiềm năng và thế mạnh mới của tỉnh, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước trong những năm tới.
Những xu thế tác động lớn mà tỉnh cần chú ý là: Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh. Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa xã hội; chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh tuy có gặp nhiều trở ngại, thách thức, cùng với diễn biến khó lường trong quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.
Trong nước: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Khu vực tư nhân ngày càng có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn cao. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cuộc sống người dân.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở cung cấp căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội; làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của tỉnh; sớm đưa vị thế phát triển của Quảng Ngãi thành một trong những tỉnh có vị thế lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.
- Để Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh có vị thế lớn trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông có thể phân tích kỹ h những điểm nhấn của quy hoạch mới?
Như tôi đã nói ở trên, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.
Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao dần hình thành tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là lĩnh vực du lịch. Các mô hình về nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần được nhân rộng. Tỷ lệ đô thị hóa được nâng cao với cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh dần được hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục được chú trọng và đạt được các chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp.
Về không gian phát triển, Quảng Ngãi phân chia 6 vùng kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp của tỉnh; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo.
Đồng thời, xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền trung; khu du lịch đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển- đảo quốc gia.
Ba trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận); trung tâm đô thị phía bắc (thị xã Bình Sơn và khu vực lân cận); trung tâm đô thị phía nam (thị xã Đức phổ và vùng phụ cận).
- Như ông nói, 3 trụ cột của Quảng Ngãi được coi là "kiềng ba chân", là bệ đỡ để tỉnh phát triển. Để đạt được những mục tiêu tổng thể cũng như tạo mối liên kết phát triển, Quảng Ngãi gắn với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ra sao, thưa ông?
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển-đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây.
Đồng thời, nhấn mạnh tính chiến lược của sự liên kết vùng với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia và liên kết vùng với Khu Kinh tế mở Chu Lai, với Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum để liên kết thị trường, mở rộng giao lưu kinh tế.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh xác định phương hướng phát triển: Lấy ngắn hạn để xây dựng dài hạn, trong ngắn hạn, phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế; trong trung hạn và dài hạn, phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững.
Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển công nghiệp để làm động lực, trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định 11 quan điểm phát triển, trong đó phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế là yêu cầu xuyên suốt; giá trị con người và môi trường là mục tiêu cao nhất, là nhân tố trung tâm quyết định của sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
- Phát triển của Quảng Ngãi không thể tách rời sự phát triển doanh nghiệp. Tỉnh sẽ có định hướng chiến lược mới nào trong việc thu hút đầu tư, thưa ông?
Hiện toàn tỉnh có hơn 8.600 doanh nghiệp đang hoạt động; giải quyết việc làm cho hơn 173 nghìn lao động. Trong 9 tháng năm 2023 đã đóng góp khoảng hơn 9.600 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm gần 80% tổng thu nội địa và gần 53% tổng thu ngân sách nhà nước.
Để tăng cường gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền trung, với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm nâng cao năng lực, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng bền vững theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư đối với những dự án lớn, những dự án có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng và địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Với quan điểm nêu trên, nhằm phát huy cao nhất lợi thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi và Khu kinh tế Dung Quất, định hướng trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ ưu tiên sàng lọc và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chú trọng thu hút những dự án mà tỉnh đang cần, đặc biệt trong các lĩnh vực: y tế, môi trường, thương mại, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ để phát triển kinh tế tuần hoàn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển; đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vấn đề cốt lõi trong thu hút đầu tư là bảo đảm cân đối lợi ích của các bên đầu tư với lợi ích của Nhà nước và nhân dân trong hoạt động hợp tác đầu tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, tuân thủ điều kiện phát triển bền vững và an ninh, quốc phòng.
Chính vì vậy, tỉnh xây dựng và hình thành nhận thức “hợp tác cùng phát triển”, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp.
Bám sát quan điểm, mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến đến những quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế công nghiệp phù hợp lợi thế so sánh của tỉnh và đang có nguồn vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ðài Loan (Trung Quốc), Mỹ và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA... cho các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp phụ trợ; chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để thu hút đầu tư từ Mỹ và các nước châu Âu...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Trong năm 2023, tình hình KTXH của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực: Tổng sản phẩm GRDP tăng (2,24%) so với năm 2022 (vượt kế hoạch đề ra là từ -3,5% đến -3%); thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao (19,9%); doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tăng cao (17,2%); kim ngạch xuất khẩu tăng (7,6%); sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá (3,5%); các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao, các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức dưới nhiều hình thức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao (9,8%); các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại được thực hiện thường xuyên, có chất lượng. |
Có thể bạn quan tâm