Thanh Hoá tạo động lực phát triển nhanh và bền vững
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính quyền điện tử”, hướng tới nền KTS, XHS, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Năm 2023 trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, nhưng với những giải pháp mang tính căn cơ, Thanh Hoá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01% (xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước)… Đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.350 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 155 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI...
- Một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là doanh nghiệp. Để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, Thanh Hóa đã có những chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Thời gian quan, các sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện thể chế liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.... như đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các TTHC; minh chứng: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư giảm từ 35 ngày còn 24 ngày làm việc (giảm 30%); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm từ 05 ngày còn 03 ngày làm việc (giảm 40%); cấp giấy phép quy hoạch 22 ngày làm việc (giảm 51%); cấp giấy phép xây dựng giảm 50%;...
Cùng với đó, các cấp chính quyền nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ...; Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tỉnh đạt 100%.
Ngoài ra, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng (giao thông, điện, nước...) đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Nhìn vào Chỉ số PCI năm 2022, tổng điểm của Thanh Hoá tuy có tăng so với năm 2021 (63,67- 63,21) nhưng lại giảm thứ hạng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Thực tế, tỉnh thiếu một số điều kiện để thu hút đầu tư như: Hạ tầng các KCN, CCN chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu quỹ đất sạch. Lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đông nhưng phần lớn là lao động phổ thông, tay nghề, chất lượng chưa cao nên việc tuyển dụng lao động chất lượng cao hạn chế, một số doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động.
Bên cạnh đó, Chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được xây dựng chủ yếu trên cơ sở thu thập thông tin dữ liệu điều tra (sử dụng bảng hỏi) từ các doanh nghiệp, nên phụ thuộc nhiều vào cách đặt câu hỏi cũng như lựa chọn các doanh nghiệp để gửi bảng hỏi, thu thập dữ liệu. Đồng thời, các chỉ số thành phần được khảo sát liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực nên khó khăn trong việc thực hiện đồng bộ các chỉ số trong cùng thời gian.
Mặt khác, các cấp, các ngành có lúc, có việc vẫn còn chưa thực sự năng động, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn chưa thật sự cao.
- Để cải thiện chỉ số nêu trên cũng như tiếp tục cải thiện nâng cao các chỉ số còn lại, Thanh Hóa đã có những biện pháp cụ thể nào trong năm 2023, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn là một trong ba khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 22-KH/TU ngày 23/7/2021; trong đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải coi CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, cơ quan, đơn vị cả trước mắt và lâu dài.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI giai đoạn 2023 - 2025. Nội dung tập trung vào việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính quyền điện tử”, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các TTHC cho doanh nghiệp...
- Thực tế ở nhiều địa phương có tình trạng trên “trải thảm”, dưới “rải đinh” gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh. Với Thanh Hóa, vấn đề này được xử lý ra sao, thưa ông?
Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC. Hằng năm, Sở Nội vụ tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, công tác quản lý cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua công tác kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức lẫn lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng cao. Chính vì vậy, tại tỉnh Thanh Hóa không có tình trạng trên “trải thảm”, dưới “rải đinh”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm