Những cung đường kết nối, phát triển
Ðể tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông, Tại quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị. Trong quy hoạch mới lần này, Quảng Ngãi sẽ đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.
“Cú hích” từ công trình trọng điểm
Trong quy hoạch vừa được phê duyệt, Quảng Ngãi định hướng phát triển mạng lưới giao thông bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.
Trong đó:
+ Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh nằm trong quy hoạch tuyến đường ven biển Việt Nam, nối với các đường ven biển của tỉnh Quảng Nam, Bình Định, nhằm gắn kết các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đối với Quảng Ngãi, tuyến đường này có vai trò tạo động lực mới để phát triển du lịch - dịch vụ - đô thị và nông, lâm nghiệp ven biển.
+ Dự án Tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, dự kiến tuyến khởi công ngày 24/12/2023 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, đây là công trình trọng điểm mà NQ 03/TU khóa XX của TU Quảng Ngãi đã đề ra. Khi đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi này hoàn thành, sẽ là các cung đường song song với đường QL1A, chia bớt lưu lượng đi lại trên tuyến QL1A, nhất là trong giờ cao điểm của buối sang và buổi chiều tan tầm, hạn chế ùn tắc giao thông trên tuyến QL1A, đồng thời tạo ra nhiều Khu đô thị mới, góp phần vào phát triển đô thị - công nghiệp- dịch vụ của tỉnh.
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết: Sở đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch sớm triển khai xây dựng tuyến Cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi (CT.22) và phê duyệt quy hoạch tuyến Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum và cho triển khai trong giai đoạn 2023 - 2027. Các tuyến đường này nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tạo sự liên kết và động lực phát triển hình thành: “Hành lang kinh tế Đông - Tây" kết nối Vùng động lực miền Trung theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội với vùng Tây Nguyên và Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Nghi Quyết 26-NQ/TW về Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ .
Đối với hệ thống đường tỉnh, trong quy hoạch cho 10 năm tới và tầm nhìn 30 năm, Quảng Ngãi phấn đấu cải tạo, đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới một số tuyến đường tỉnh đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.
Hình thành trung tâm logistics miền Trung Tây Nguyên
Ngoài những công trình, dự án mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH nâng cao thu nhập và đời sống người dân thì việc tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông khác ngoài đường bộ như đường sắt, cảng biển, đường hàng không… cũng là một trong những ưu tiên trong quy hoạch tỉnh lần này.
Theo đó, Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất để kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước.
Quy hoạch Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Quảng Ngãi sẽ là trung tâm logistics của khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Về đường sắt, thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm định hướng kết nối với tỉnh Quảng Nam và tuyến đường sắt chuyên dung đến cảng Dung Quất. Được biết, Quảng Ngãi hiện đã cơ bản chọn được vị trí để xây dựng nhà ga đường sắt tốc độ cao và một số ga phụ khác dọc theo tuyến qua địa bàn tỉnh.
Đồng thời, trong quy hoạch mới có đưa vào nhiệm vụ nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Về hệ thống cảng biển, quy hoạch lần này ngoài thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước. Trong đó, từng bước hình thành các bến (hàng hóa, hành khách), cảng sông theo các khu du lịch, khu - cụm công nghiệp, các dự án thu hút đầu tư và nhu cầu phát triển thực tế của địa phương, phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế trên các vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, đưa Dung Quất Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua Biển Đông.
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực hiện hàng loạt công trình đường giao thông và cầu mang tính huyết mạch, tạo hạ tầng giao thông khang trang, đưa các vùng miền gần lại nhau hơn. Quảng Ngãi hội đủ các loại hình giao thông qua địa bàn gồm đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Trong tương lai, khi mạng giao thông địa phương kết nối đồng bộ, sẽ tạo ra động lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ.
Có thể bạn quan tâm