Cà phê chuỗi Trung Quốc “vượt” Mỹ ở thị trường nội địa (Phần 1)
Trong suốt hơn 20 năm, Mỹ là quốc gia có nhiều quán cà phê có thương hiệu nhất. Nhưng giờ thế cuộc đã thay đổi…
>>Nestlé nỗ lực quảng bá hình ảnh cà phê Việt ra thế giới
Theo nghiên cứu của World Coffee Portal công bố mới đây, số lượng quán cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng 58% trong 12 tháng qua, đạt mức kỷ lục là 49.691 của hàng. Con số này cao hơn 9.000 so với 40.062 ở Mỹ, và trong năm qua thị trường này chỉ tăng trưởng có 4%.
Jeffrey Young, người sáng lập và giám đốc điều hành của World Cà phê Portal, cho biết: “Thị trường chuỗi cà phê thương hiệu ở Đông Á rõ ràng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Dẫn đầu là việc các thương hiệu cà phê ở Trung Quốc đang mở rộng một cách phi thường, bán nhượng quyền hàng loạt, khiến quốc gia này nhanh chóng trở thành cường quốc hàng đầu trong ngành cà phê toàn cầu.”
Điển hình là trường hợp của của các chuỗi địa phương Luckin Coffee và Cotti Coffee. Những thương hiệu này đã nhanh chóng mở rộng trong năm qua, lần lượt Luckin có thêm 5.059 và Cotti có thêm 6.004 cửa hàng. Luckin, mới thành lập cách đây sáu năm, hiện thương hiệu này đang dẫn đầu với 13.273 cửa hàng ở Trung Quốc.
Starbucks đặt chân vào thị trường Trung Quốc khá lâu từ năm 1999 nhưng tính đến nay, thương hiệu chỉ có 6.806 cửa hàng. Chuỗi cà phê Cottin của Trung Quốc còn phát triển ghê gớm hơn, khi vừa thành lập tháng 8 năm 2022 mà đến nay đã có 6.061 cửa hàng, gần đuổi kịp Starbucks.
Trung Quốc vốn là một đất nước ưa chuộng dùng trà, nhưng những năm trở lại đây lượng người dùng cà phê đã tăng lên đáng kể. Hơn 90% trong số 4.000 người tiêu dùng tại quán cà phê Trung Quốc được khảo sát uống cà phê nóng hàng tuần, trong khi 64% uống cà phê đá ít nhất một lần một tuần. Điều này cho thấy thói quen dùng đồ uống của nước này đã thay đổi.
Chẳng riêng gì Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Á cũng có sự phát triển mạnh mẽ ở thị trường cà phê thương hiệu. World Coffee Portal dự báo tổng thị trường quán cà phê mang thương hiệu Đông Á sẽ vượt 136.500 cửa hàng vào tháng 11 năm 2024 và 181.500 vào năm 2028, với mức tăng trưởng CAGR 8,8% trong 5 năm.
Hiện nay, Starbucks vẫn là chuỗi cà phê có thương hiệu lớn nhất ở Đông Á, với 1.223 cửa hàng mở mới trong năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên 13.524 tại 15 thị trường. Tuy nhiên, các chuỗi cà phê thương hiệu nội địa như Mega Coffee của Hàn Quốc, Tomoro Coffee của Indonesia và Zus Coffee của Malaysia đang thách thức sự thống trị của Starbucks và gia tăng thị phần của họ
Jeffrey Young cho biết: “Thị trường quán cà phê Đông Á rõ ràng đang có sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ nguồn đầu tư phi thường, mở rộng ở Trung Quốc. Thật đáng khích lệ khi thấy các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản lâu đời tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cùng với sự phát triển của văn hóa cà phê tại các thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam, Malaysia và Indonesia”.
World Coffee Portal cho biết thêm, khi toàn bộ thị trường quán cà phê mang thương hiệu Đông Á phát triển trong nội địa, họ bắt đầu tìm cánh nhanh chóng mở rộng ở cả quốc tế. Như Cotti Coffee đã vào Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Hồng Kông kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2022. Còn Luckin Coffee, Kopi Kenangan và Compose Coffee đều mở cửa hàng quốc tế đầu tiên trong vòng 12 tháng qua.
Tại Việt Nam, sau khi phát triển trong nước các chuỗi cà phê cũng thi nhau “xuất ngoại”. Cộng Cà Phê, Phúc Long, King Coffee, Highlands Coffee, E-Coffee là những thương hiệu đã mở rộng ra nước ngoài từ sớm và rất được yêu thích.
Như vậy là cuộc đua chuỗi cà phê đang dần thay đổi thế trận với người đứng đầu mới là Trung Quốc. Có thể thấy, dù vẫn nổi tiếng nhưng các chuỗi cà phê thương hiệu của Mỹ như Starbucks đang phải chịu sự đe dọa không chỉ từ đối thủ mạnh là Trung Quốc, mà còn từ phía những thương hiệu nội địa trên các thị trường khác nhau. Dự đoán trong tương lai cuộc đua này sẽ còn nóng hơn nữa với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu mới và sự mở rộng của các thương hiệu cũ. Bởi lẽ dự án nghiên cứu Café East Asia 2024 cho thấy tổng thị trường quán cà phê mang thương hiệu Đông Á tăng 24% về số cửa hàng trong 12 tháng qua, đạt 119.221 cửa hàng, trong đó Trung Quốc chiếm gần 42% tổng thị trường. 72% các nhà lãnh đạo các chuỗi cà phê ở Đông Á được khảo sát cho biết doanh số bán hàng của họ đã tăng trong 12 tháng qua. Với tỷ lệ tương tự, tin rằng thị trường sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm