Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn: Còn “khó” chỗ nào?

NGUYỄN GIANG 22/12/2023 00:30

“Việc xuất hóa đơn khi bán lẻ xăng dầu sẽ không làm mất thời gian của người mua mà còn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng luật, hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan chức năng yêu cầu…”.

Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành trước những băn khoăn của doanh nghiệp về quy định phải xuất hóa đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

>>Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

hihihihi

Hiện nay các tỉnh xung quanh TP Hồ Chí Minh đã triển khai xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa

Theo đó, Luật Quản lý thuế đã quy định từ tháng 7/2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau từng lần bán. Tuy nhiên đến nay, chỉ 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM thực hiện với trên 2.700 cửa hàng (chiếm 16% cả nước). Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cho rằng quy định trên khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc,… trong khi có thể người tiêu dùng không yêu cầu xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí, thậm chí có thể gây ùn tắc tại các cửa hàng xăng dầu.

Bình luận xung quanh câu chuyện này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, thực tế những cột bơm xăng dầu đời mới đều có cổng chờ sẵn để kết nối thông tin của các tổ chức bán hàng. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chuẩn cụ thể của các cột bơm trong nhiều giai đoạn qua, dẫn đến nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn những cột bơm xăng dầu đã rất cũ, nhiều cột không có hệ thống kết nối với máy tính. Những hệ thống này muốn thực hiện theo Nghị định 123 cần phải đầu tư thêm.

“Việc tổ chức xuất hóa đơn điện tử có sự liên thông của từng lần giao hàng cần phải có sự phối hợp của nhiều Bộ mới đạt được kết quả. Giống như việc tổ chức thanh toán không tiền mặt để hệ thống hóa đơn điện tử  chạy tự động, còn khi các doanh nghiệp có gửi lên những hóa đơn điện tử thông qua từng lô bán hàng theo kênh của mình, vẫn còn sự chênh lệch với những khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề này dứt khoát Tổng cục Thuế cũng phải có hướng dẫn để xử lý những chênh lệch khi làm tròn số thông qua hệ thống tính toán điện tử”, ông Bảo nêu thực tế.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, những lo ngại của doanh nghiệp về vấn đề chi phí đầu tư là có cơ sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo ông Doanh, việc đẩy mạnh số hóa góp phần tăng cường minh bạch trong công tác quản lý thuế là rất cần thiết, trong đó có lĩnh vực xăng dầu. Do đó, có thể xem xét giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí đầu tư ban đầu (thiết bị, phần mềm, kết nối hệ thống) và tìm giải pháp tối ưu nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.

"Quan trọng là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ về ý nghĩa của hóa đơn điện tử khi mua xăng dầu, để việc yêu cầu bên bán xuất hóa đơn trở thành thói quen khi mua hàng", ông Doanh nhấn mạnh.

>>Đề xuất bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Khó áp dụng ngay

hiihihi

Hóa đơn xuất ra chỉ mất khoảng 40 - 60 đồng/hóa đơn, người tiêu dùng đa số không lấy hóa đơn, nên cũng không nhất thiết phải in ra. Ảnh minh họa

Dưới góc nhìn từ cơ quan quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, hiện nay các tỉnh xung quanh TP Hồ Chí Minh đã triển khai xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu, điển hình như tỉnh Long An đã triển khai đồng bộ tới các doanh nghiệp. “Đặc biệt, khi các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật đã vào cuộc, thực sự kinh phí rất thấp chứ không phải đại diện một số Bộ chuyên ngành nói rằng đầu tư phải 400 - 600 triệu đồng hay 1 tỷ đồng. Hóa đơn xuất ra cũng chỉ mất khoảng 40 - 60 đồng/hóa đơn. Người tiêu dùng đa số không lấy hóa đơn, nên cũng không nhất thiết phải in ra...”, ông Mai Xuân Thành nói.

Về ý kiến băn khoăn có thể gây ùn tắc khi xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu, từ thực tế triển khai tại Petrolimex cho thấy phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 01/07/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Theo đó, việc phát hành hóa đơn điện tử  theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được hóa đơn điện tử về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu. Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành hóa đơn điện tử  của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử từng mặt hàng bán trong ngày.

“Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Khó áp dụng ngay

    Đề xuất bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Khó áp dụng ngay

    11:00, 12/11/2023

  • Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

    Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

    03:30, 07/11/2023

  • Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết rút ngắn thời gian điều chỉnh giá?

    Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết rút ngắn thời gian điều chỉnh giá?

    04:00, 02/11/2023

NGUYỄN GIANG