Xây dựng "đạo làm giàu"
Nền kinh tế muốn phát triển nhanh cần phát triển mạnh kinh tế tư nhân, mà doanh nghiệp gia đình là nòng cốt của kinh tế tư nhân.
>>3 bước dẫn dắt thế hệ kế nhiệm trong doanh nghiệp gia đình
Xây dựng “đạo làm giàu” nhằm tạo nên những gia tộc doanh nhân có chung sứ mệnh là duy trì, phát triển hệ tư tưởng cũng như giá trị cốt lõi của gia đình, văn hoá doanh nghiệp gia đình, văn hoá dân tộc là một trong những nền tảng cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 (Nghị quyết) của Bộ Chính trị đã xác định, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời cũng chỉ rõ việc hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh donah thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết trên, việc xây dựng gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình là một trong những nội dung có ý nghĩa rất to lớn.
Nhiều dư địa phát triển
Trước hết phải khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp gia đình đối với nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Family Capital, với sự hỗ trợ của PwC, bảng xếp hạng 750 doanh nghiệp gia đình hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra vai trò ngày càng quan trọng của các công ty gia đình với nền kinh tế toàn cầu. Các công ty này tạo ra doanh thu hàng năm hơn 9 nghìn tỷ USD và sử dụng gần 30 triệu lao động. Tại Mỹ doanh nghiệp gia đình chiếm khoảng gần 90% của tất cả các doanh nghiệp đăng ký. Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy đằng sau rất nhiều tập đoàn hùng mạnh đều có bóng dáng của các gia tộc kinh doanh. Tính đến năm 2017, các doanh nghiệp gia đình ước tính đã đóng góp 70% đến 90% GDP toàn cầu. Tại Úc có 1 ngày doanh nghiệp gia đình quốc gia vào ngày 18/9, để ghi nhận sự đóng góp đối với nền kinh tế Úc và cộng đồng địa phương.
Tại Việt Nam, pháp luật doanh nghiệp chưa định nghĩa về mô hình doanh nghiệp gia đình vì thế gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình lại càng là những điều mới mẻ. Mặc dù doanh nghiệp gia đình đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong nền kinh tế, đưa Việt Nam lên bước phát triển mới. Trong tương lai, chắc chắn các công ty này sẽ phát triển bền vững, ngày càng nâng cao thương hiệu của mình, không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Bởi tại các nước phát triển, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp gia đình thường đạt 55 - 80%. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều dư địa có thể khai thác tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam về cả chiều rộng và chiều sâu.
Nền tảng phát triển bền vững
Trong bối cảnh thế giới biến đổi với gia tốc lớn, diễn biến phức tạp, làn sóng đổi mới công nghệ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cũng như những biến động chính trị đã và đang tổ chức lại một cách cơ bản đời sống con người về mọi mặt từ kinh tế đến văn hoá xã hội. Chúng ta lại đang đứng trước bước ngoặt phát triển có tính lịch sử với khát vọng nhanh chóng bắt kịp và tiến triển cùng thời đại thì doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Vì thế, việc xây dựng gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Nền kinh tế muốn phát triển nhanh cần phát triển mạnh kinh tế tư nhân, mà doanh nghiệp gia đình là nòng cốt của kinh tế tư nhân. Nhưng để phát triển doanh nghiệp gia đình lớn mạnh và bền vững, phải xây dựng được các gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình vừa tiến kịp cùng thời đại, vừa mang bản sắc độc đáo riêng của dân tộc.
Văn hoá gia đình doanh nhân vừa là nền tảng, vừa là bệ phóng cho doanh nhân, là căn cứ địa, nương tựa và là nơi thụ hưởng kết quả của doanh nhân. Đằng sau sự thành công của một doanh nhân là một gia đình văn hoá, giữ được văn hoá và coi văn hoá là gốc, chắc chắn doanh nghiệp sẽ trường tồn, phát triển bền vững. Khi đó, gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp.
Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã và đang đem đến cho các gia đình Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến, văn minh của các nước. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình Việt nam, làm cho các gia đình, văn hoá gia đình đang đứng trước những thử thách, sóng gió. Vì vậy, việc xây dựng gia đình doanh nhân văn hoá và văn hoá doanh nghiệp gia đình là mục tiêu có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế và phát triển con người, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành theo Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/1/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến nay hầu hết các địa phương trong cả nước đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Bộ tiêu chí. Trong đó Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Thái Bình…là những địa phương tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai Bộ tiêu chí theo mục tiêu được nêu tại Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.
Có thể bạn quan tâm