Đẩy mạnh liên kết du lịch miền Trung
Sau một thời gian hoạt động với kết quả tích cực, các địa phương tại miền Trung tiếp tục xác định liên kết, phối hợp chặt chẽ để đưa ngành du lịch trở lại với “guồng quay”.
>>Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách trong năm 2024
Trong năm 2023, công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình được đánh giá đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, thông tin, hình ảnh du lịch 5 địa phương được đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu đến du khách trong nước và nước ngoài qua nhiều kênh, hình thức khác nhau.
Doanh nghiệp du lịch tại 5 địa phương đã có nhiều cơ hội để kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước thông qua các sự kiện. Sự chung tay, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp các địa phương góp phần lớn vào thành công của các hoạt động và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước góp phần lan tỏa thương hiệu “Amazing Central Vietnam Heritage - Miền di sản diệu kỳ”.
Tuy vậy, vẫn còn một vài nội dung chưa triển khai khiến mục tiêu đề ra chưa thể hoàn thiện. Lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí cấp cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch nước ngoài tại các địa phương không đồng đều nên việc tham gia và triển khai các hoạt động xúc tiến nước ngoài còn hạn chế. Đồng thời, hội chợ du lịch quốc tế VITM Cần Thơ hoãn tổ chức gây ảnh hưởng đến công tác triển khai, thiệt hại về kinh phí cho các địa phương và doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Cùng với đó, công tác phối hợp tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, KOLs… chưa được triển khai quy mô rộng với 5 địa phương, hiện tại chỉ tập trung 03 địa phương: Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, vẫn chưa thể triển khai được các nội dung trong Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương với Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh Tây Nguyên.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương. Cụ thể, ông Sơn nhìn nhận việc “đi cùng nhau” trong phát triển ngành du lịch giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương với doanh nghiệp và người dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh, bổ sung tính đặc sắc của sản phẩm, làm nổi bật tính khác biệt, hỗ trợ cho hoạt động tiếp thị, quảng bá điểm đến cũng như định vị đương thương hiệu du lịch của địa phương.
“Thời gian qua, sự hợp tác, gắn kết đã được thiết lập, củng cố và phát triển. Năm địa phương thống nhất cùng nhau hỗ trợ, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch mang tầm vóc khu vực. Các địa phương đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá, đảm bảo tính hiệu quả về kinh phí nhưng vẫn đảm bảo giới thiệu được không gian điểm đến chung của khu vực và sản phẩm mang tính liên vùng và đặc trưng khác biệt của từng địa phương. Những thương hiệu du lịch của địa phương đã được nhận diện”, ông Sơn nói.
Theo vị này, việc liên kết du lịch đang có một Quảng Bình nổi danh với các sản phẩm du lịch gắn với việc khám phá sự kỳ vĩ, huyền bí của thiên nhiên. Có Quảng Trị với các sản phẩm gắn cùng lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam và Thừa Thiên Huế với các sản phẩm du lịch văn hóa mang các giá trị lịch sử lâu đời cùng thiên nhiên an lành và lễ hội ngàn năm. Đồng thời, tại đây còn có Đà Nẵng sôi động với danh hiệu thành phố của sự kiện và Quảng Nam là “Điểm đến Du lịch xanh” với những sản phẩm du lịch được xây dựng trong sự kết hợp giữa yếu tố “thuận thiên” và các giá trị văn bản địa, của văn hóa hội nhập của một vùng đất mở -Vùng đất Xứ Quảng!
“Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm để thông qua đó mở rộng không gian điểm đến, khai thác đặc trưng văn hóa độc đáo, các giá trị ẩm thực nổi bật của từng địa phương trong “Miền di sản diệu kỳ”. Hoạt động phát triển nguồn nhân lực, góp ý xây dựng chính sách phát triển của ngành… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm để tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến vẫn chưa được thống nhất cao do có sự khác biệt về lợi thế, sản phẩm, cơ chế về tổ chức hoạt động xúc tiến giữa mỗi địa phương”, ông Văn Bá Sơn cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế trong năm 2024, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm dịch vụ du lịch của 5 địa phương tại các địa phương liên kết. Đồng thời, ông Phúc cũng cho rằng cần tăng cường liên kết hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng chính sách, phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên và lưu trú du lịch.
“Song song là tiếp tục xúc tiến, quảng bá và khẳng định thương hiệu du lịch 5 địa phương. Chú trọng đẩy mạnh quảng bá các chương trình, sự kiện, hoạt động du lịch tiêu biểu trong năm 2024, phối hợp sản xuất, phát hành các ấn phẩm, vật phẩm du lịch chung, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch của các địa phương, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng nhằm thu hút khách du lịch. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương trao đổi, giao lưu, hợp tác đầu tư kinh doanh với các đối tác trong nước và quốc tế”, ông Phúc kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm