Lo ngại khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực

YẾN NHUNG - GIA NGUYỄN 23/12/2023 04:00

Nợ xấu gia tăng, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn chưa thể thông qua, nhiều ý kiến lo ngại, Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý...

>> Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Được ban hành từ ngày 21/6/2017, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được cho đã tạo ra những bước tiến triển đáng kể cho quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, đến ngày 31/12 tới đây Nghị quyết này sẽ hết hạn áp dụng, kèm theo đó là không ít lo ngại, nhất là trong bối cảnh nợ xấu thời gian qua liên tục gia tăng.

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 - Ảnh minh họa: ITN

Báo cáo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cũng như tổng nợ xấu mới hình thành đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng nợ xấu tuyệt đối của 27 ngân hàng niêm yết hiện tăng tới 61% so với đầu năm.

Không chỉ có vậy,  báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng chỉ rõ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, cao gấp đôi so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản gần như đóng băng, giao dịch sụt giảm, giá trị tài sản đảm bảo giảm sâu...

Đặc biệt, không ít dự báo thời gian qua cũng cho thấy,  nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm 2024. Vì vậy, khi 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới đây, không ít ý kiến lo ngại ngân hàng sẽ gặp khó trong xử lý nợ xấu.

Nhiều ý kiến lo ngại khi Nghị quyết này hết hiệu lực sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến lo ngại khi Nghị quyết này hết hiệu lực sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu - Ảnh minh họa: ITN

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Và trước thực trạng đã nêu, để tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội nên gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 thêm 6 tháng nữa. Bởi, trong bối cảnh nợ xấu ngày càng tăng, thị trường mua bán nợ chưa hình thành, các tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ của rất nhiều cơ quan, ban ngành trong xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Tổng cục Thi hành án dân sự cần rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung giải quyết dứt điểm, đảm bảo giá trị tài sản thu hồi là lớn nhất. Bộ Công an cần kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, giúp việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ diễn ra theo quy định pháp luật…

Theo các chuyên gia, việc gia hạn thêm Nghị quyết 42/2017/QH14 hoặc có giải pháp thay thế là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, vì việc xử lý nợ vẫn còn đó nhiều vướng mắc. Điển hình là vẫn còn những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng và khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo. 

Được biết, trên cơ sở Nghị quyết 42/2017/QH14 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng dành chương XI, gồm 9 điều (từ Điều 181 đến Điều 189) quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) kế thừa các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án...

Trong đó, có hai khoản nợ xấu được áp dụng các quy định về xử lý nợ xấu tại Dự thảo Luật này, gồm: nợ xấu của các tổ chức tín dụng (gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán) và nợ xấu tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu đã mua của tổ chức tín dụng nhưng chưa thu hồi được.

Đặc biệt, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ...

Có thể bạn quan tâm

  • Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ tạo ra sự tích cực

    Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ tạo ra sự tích cực

    01:00, 05/04/2022

  • Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

    Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

    03:00, 22/03/2022

  • Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?

    Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?

    04:50, 09/03/2022

  • Xử lý nợ xấu (Bài 2): Ngân hàng gặp khó trong thực hiện Nghị quyết 42 ra sao?

    Xử lý nợ xấu (Bài 2): Ngân hàng gặp khó trong thực hiện Nghị quyết 42 ra sao?

    14:00, 21/02/2022

  • Luật hóa Nghị quyết 42 để hạn chế nợ xấu

    Luật hóa Nghị quyết 42 để hạn chế nợ xấu

    04:10, 21/02/2022

YẾN NHUNG - GIA NGUYỄN