Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Sau hàng loạt những “lùm xùm” liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để ngăn chặn tình trạng “trục lợi”, liệu Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có đủ?
>> Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý
Theo đó, sau nhiều bất ổn của thị trường xăng dầu, ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Nghị định được ban hành với nhiều kỳ vọng khi đưa ra các quy định về đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường; bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối;...
Đáng nói, sau hàng loạt các “lùm xùm” liên quan đến “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, Nghị định 80/2023/NĐ-CP cũng đưa ra quy định mới nhằm siết chặt quản lý.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định này, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về quỹ bình ổn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn.
Báo cáo kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn xăng dầu bao gồm: Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo, tổng số tiền trích lập, tiền chi sử dụng quỹ, tiền lãi phát sinh trên số dư và số dư quỹ bình ổn, sao kê chi tiết tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo…
Ngoài ra, định kỳ 15 hàng tháng, thương nhân cũng phải có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về liên bộ Công Thương - Tài chính tình hình thực hiện quỹ bình ổn. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
>> Cần sớm “gỡ vướng” về chi phí định mức trong tính giá xăng dầu
Đánh giá về quy định đã nêu, một số ý kiến cho rằng, so với quy định trước đó tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì đã có những đổi mới, chặt chẽ hơn trong quản lý Quỹ, đồng thời cũng tăng trách nhiệm của các bên liên quan...
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu mấy năm trước do quá trình theo dõi, báo cáo không đầy đủ, không đúng quy định nên dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích, có tình trạng lạm dụng quỹ sử dụng cho việc khác, xảy ra cá biệt tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mới trong Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng đầu đã phân tách và gắn trách nhiệm rất rõ ràng, nên nguy cơ chiếm dụng quỹ như trước sẽ không còn nữa, nói đúng hơn là khó xảy ra.
Cụ thể, ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để chuyển Quỹ có quyền phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng không được phép đụng vào quỹ này, tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu hằng tuần của Bộ Công Thương. Rồi định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về Quỹ bình ổn giá gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn,…
“Nói chung, việc quản lý, báo cáo tồn quỹ sẽ được cập nhật thường xuyên và rõ ràng hơn, thế nên, về cơ bản, nếu việc báo cáo được thực hiện đầy đủ, giám sát thường xuyên, nguy cơ chiếm dụng quỹ không đáng lo, gần như sẽ không xảy ra nữa”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh
Đồng thời cho rằng, vai trò đôn đốc giám sát quỹ, sản lượng mua vào bán ra của doanh nghiệp trong ngành thế nào là do Bộ Công Thương quản lý.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong đó có một số quy định siết chặt trong quản lý Quỹ, đồng thời tăng trách nhiệm của các bên liên quan... tuy vậy, nguy cơ chiếm dụng Quỹ bình ổn giá vẫn xảy ra nếu cơ quan quản lý có thể vì năng lực, lợi ích riêng… tiếp tục lơ là việc giám sát, quản lý.
“Chúng ta có quy định giám sát của cơ quan nào, bộ nào rất rõ khi đặt ra Quỹ, thế nhưng, việc quản lý bị lơ là hoặc không thường xuyên, mới dẫn đến tình trạng ngân sách Nhà nước thất thoát cả ngàn tỷ đồng như vậy”, TS Việt chia sẻ.
Thế nên, về lâu dài, theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc tiến đến bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, minh bạch và giảm thiểu tối đa cơ hội hình thành lợi ích nhóm là điều cần thiết. Đây cũng là điều Chính phủ mong muốn khi rất coi trọng việc sửa đổi, bổ sung nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 80/2023/NĐ-CP) vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý
14:00, 30/10/2023
Vì sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
03:00, 10/04/2023
Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
12:52, 15/03/2023
Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
00:00, 11/11/2022
Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
00:06, 07/11/2022