Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng
“Dù Nghị định 80 có những quy định siết chặt quản lý quỹ, đồng thời tăng trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy vậy, nguy cơ chiếm dụng quỹ bình ổn giá vẫn xảy ra nếu cơ quan quản lý lơ là giám sát…”.
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trước một số ý kiến lo ngại về việc quỹ bình ổn giá xăng dầu có nguy cơ bị chiếm dụng bởi quỹ này do doanh nghiệp thu hộ và quản lý.
>>Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn: Còn “khó” chỗ nào?
Theo đó, liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty TNHH TM-VT-DL Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) cùng một số lãnh đạo địa phương, các cơ quan quản lý liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam mới đây khiến nhiều người lo ngại rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu có nguy cơ bị chiếm dụng bởi tài khoản đang do doanh nghiệp nắm giữ.
Cụ thể, trong vụ án Công ty Xuyên Việt Oil, số tiền nợ thuế của đơn vị này đến tháng 8/2023 là trên 1.500 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số đó có đến 1.244 tỉ đồng là thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mà doanh nghiệp "thu hộ" từ người mua xăng dầu, đã không nộp trả vào ngân sách nhà nước một thời gian dài.
Trong thực tế, tình trạng số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nợ đọng thuế đang diễn ra thường xuyên. Giữa năm nay, Tổng cục Thuế đã có văn bản nhắc nhở hàng loạt cục thuế địa phương có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu về tình trạng nợ đọng thuế BVMT có chiều hướng tăng và yêu cầu các cục thuế triển khai các giải pháp để thu hồi về ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, không chỉ thuế BVMT, trong thực tế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng là khoản "thu hộ" đang được đặt tại doanh nghiệp đầu mối có nguy cơ bị chiếm dụng rất cao. Đã có nhiều doanh nghiệp "quên" trả số tiền này về tài khoản sau khi ngưng hoạt động, hoặc bị rút giấy phép, hoặc "ôm" quỹ và chậm kết chuyển…
Đến giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính trên cơ sở tổng hợp báo cáo Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã phát hiện một số doanh nghiệp đầu mối vi phạm về quy định của quỹ như không kết chuyển đúng quy định. Các công ty được nêu tên mắc lỗi trên đều là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như: T.L.P, H.H, T.M.Đ, S.W.P…
>>“Cởi trói” cho xăng dầu
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho biết, quỹ bình ổn giá mấy năm trước do quá trình theo dõi, báo cáo không đầy đủ, không đúng quy định nên dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích, có tình trạng lạm dụng quỹ sử dụng cho việc khác, xảy ra cá biệt tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mới trong Nghị định 80 về kinh doanh xăng đầu đã phân tách và gắn trách nhiệm rất rõ ràng, nên nguy cơ chiếm dụng quỹ như trước sẽ không còn nữa, nói đúng hơn là khó xảy ra.
Cụ thể, ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để chuyển quỹ có quyền phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng không được phép đụng vào quỹ này, tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu hằng tuần của Bộ Công Thương. Rồi định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về quỹ bình ổn giá gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn…
"Nói chung, việc quản lý, báo cáo tồn quỹ sẽ được cập nhật thường xuyên và rõ ràng hơn. Thế nên, về cơ bản, nếu việc báo cáo được thực hiện đầy đủ, giám sát thường xuyên, nguy cơ chiếm dụng quỹ không đáng lo, gần như sẽ không xảy ra nữa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh và cho rằng vai trò đôn đốc giám sát quỹ, sản lượng mua vào bán ra của doanh nghiệp trong ngành thế nào là do Bộ Công Thương quản lý.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, những gì đang diễn ra đối với ngành xăng dầu cho thấy cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa. "Về nguyên tắc thuế và phí là lĩnh vực luôn luôn bị kiểm soát rất chặt, doanh nghiệp hay người dân gian lận dù ít hoặc có ý gian lận là thanh tra thuế đến làm việc ngay. Thế nên, khi doanh nghiệp "ôm" hàng trăm tỉ đồng tiền thuế thu hộ kéo dài, không chuyển nộp là trách nhiệm của ngành thuế. Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng vậy.
Cho dù đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu trong đó có một số quy định siết chặt trong quản lý quỹ, đồng thời tăng trách nhiệm của các bên liên quan... Tuy vậy, nguy cơ chiếm dụng quỹ bình ổn giá vẫn xảy ra nếu cơ quan quản lý có thể vì năng lực, lợi ích riêng… tiếp tục lơ là việc giám sát, quản lý. Chúng ta có quy định giám sát của cơ quan nào, bộ nào rất rõ khi đặt ra quỹ. Thế nhưng, việc quản lý bị lơ là hoặc không thường xuyên, mới dẫn đến tình trạng ngân sách nhà nước thất thoát cả ngàn tỉ đồng như vậy", TS Việt nói.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, về lâu dài cần tiến đến bỏ quỹ, điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, minh bạch và giảm thiểu tối đa cơ hội hình thành lợi ích nhóm là điều cần thiết. Đây cũng là điều Chính phủ mong muốn khi rất coi trọng việc sửa đổi, bổ sung nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa qua.
Có thể bạn quan tâm