Để tránh tình trạng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có sự chồng chéo và không ai muốn quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia, theo chuyên gia, nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu…
>> Đề xuất Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia - Có phù hợp?
Như đã thông tin, tại báo cáo về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.
Trước đề xuất này, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, theo đó, Bộ này không đồng tình với đề nghị của Bộ Công Thương.
Cụ thể, dẫn Luật Dự trữ quốc gia và các Nghị định có liên quan, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính quản lý Nhà nước về lĩnh vực dự trữ quốc gia.
Hơn nữa, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại và là ngành hàng kinh doanh có điều kiện; việc bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ; các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù.
Do đó, cơ quan quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải là cơ quan có năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ; có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành, lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng… (theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ).
>> Loay hoay chuyện xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
Vì vậy, việc Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.
Trường hợp Bộ Công Thương kiến nghị chuyển dự trữ mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính quản lý, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, các ưu điểm, nhược điểm, giải pháp và lộ trình thực hiện để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Trước tình trạng “đùn đẩy” đã nêu, một số ý kiến cho rằng, nếu vẫn để cả hai bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua. Cần phải thành lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia riêng biệt hoặc quỹ an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Còn việc giao cho cơ quan nào phụ trách cần có đề án đưa ra phản biện xã hội để lấy ý kiến hoàn thiện.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, xăng dầu là mặt hàng thuộc lĩnh vực ngoại thương, công thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm liên đới tham gia tổ liên ngành xác định giá, chi phí cho những hoạt động mua sắm dự trữ này và công tác quản lý Nhà nước có liên quan.
“Với cơ chế hiện nay việc bóc tách để xác định rõ trách nhiệm chủ quản không phải là dễ. Chúng tôi cho rằng thời gian tới nên thay đổi hình thức dự trữ quốc gia, và nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu. Nó có thể trực thuộc chính phủ hoặc Tổng cục dự trữ quốc gia. Và Bộ tài chính chỉ có trách nhiệm quyết định giá hay đưa ra những căn cứ để xác định giá cho vấn đề mua bán các mặt hàng dự trữ này. Còn toàn bộ trách nhiệm mua ra bán vào, xử lý quyết định như thế nào là, dưới sự trực tiếp của chủ quan. Vì như vậy nó sẽ tránh được tình trạng hiện nay Bộ Công thương và Bộ tài chính có sự chồng chéo và không ai muốn quản cái này”, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.
Cùng với các đề xuất đã nêu, một số ý kiến cũng đề xuất, Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có thể học kinh nghiệm ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản… đồng thời, nên đầu tư cho hệ thống dự trữ xăng dầu, bảo đảm mạch máu của nền kinh tế.
Được biết, đây không phải lần đầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính “đùn đẩy” trách nhiệm về quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, trước đó, liên quan đến việc quản lý, điều hành giá xăng dầu tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (nay là Nghị định 80/2023/NĐ-CP). Bộ Công Thương cũng đã đề xuất chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì, còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu vẫn nên để Bộ Công Thương đảm nhiệm vì đây là nhiệm vụ được bộ thực hiện lâu nay cũng như phù hợp với quy định của Luật giá.
Vì vậy, để tránh tái diễn tình trạng đã nêu, thiết nghĩ, đề xuất thành lập một cơ quan độc lập về quản lý dự trữ xăng dầu thay vì Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính cũng nên được cân nhắc.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia - Có phù hợp?
04:00, 15/12/2023
Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng cho 30 ngày dự trữ xăng dầu
11:43, 28/02/2023
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần có chiến lược xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia
15:00, 18/10/2022
Sớm giải bài toán dự trữ xăng dầu
01:30, 28/08/2022