Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: Nâng cao chất lượng phục vụ

LÊ NAM - QUÂN BẢO 24/12/2023 21:32

Trải qua 15 năm thành lập và phát triển, KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn hôm nay chuyển mình, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá lớn của Việt Nam, các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại.

>>>Lạng Sơn: Nâng cao lợi thế cạnh tranh từ cửa khẩu thông minh

Luôn nỗ lực đồng hành

Khu Kinh tế cửa khẩu có 02 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị - đường bộ và Ga Đồng Đăng - đường sắt), 03 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng) và các khu chức năng chính như: Khu trung chuyển hàng hóa; Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Khu KTCK được Chính phủ lựa chọn là một trong 09 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển. Giai đoạn 2021 - 2025, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn tiếp tục được lựa chọn là một trong 08 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định phát triển KTCK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng các Chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó xác định“Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” vẫn là một trong bốn chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh Trọng Thành

Thượng tướng Lê Huy Vịnh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và các đại biểu kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. (Ảnh:Trọng Thành)

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh luôn nỗ lực, bằng nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khẩu qua địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn quyết tâm xây dựng, phát triển Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động; trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistic quốc gia và quốc tế.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch và dịch vụ. Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với Khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan...; Tỉnh thực hiện hiệu quả, toàn diện ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) vừa tạo thuận lợi cho phát triển KKT cửa khẩu, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá, khai thác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hoá.

Bên cạnh đó, tỉnh thành công trong xây dựng mô hình cửa khẩu kiểu mẫu tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và vận hành luồng xanh thông quan nhanh hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Tiếp tục triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh... tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của người dân, doanh nghiệp qua địa bàn.

Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn

Lưu thông hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu.

>>>Lạng Sơn: Tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút vốn đầu tư

>>>VSIP Lạng Sơn - Cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế địa phương

Trong nhiều năm qua, Khu Khu Kinh tế cửa khẩu đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP tỉnh Lạng Sơn, năm 2022 đạt mức 39,95%. Tổng thu ngân sách trong Khu Kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2013 - 2022 đạt trên 69.411 tỷ đồng (thu nội địa 23.824 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 45.586 tỷ đồng), trong đó thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu tăng đều qua các năm. Giai đoạn 2013 – 2022, tại 04 cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu thu đạt 4.559/5.594 tỷ đồng, chiếm trên 81,5% số thu trên toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh nền tảng cửa khẩu số

Theo ông Duy, tỉnh Lạng Sơn đang quyết tâm nỗ lực để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ban Quản lý bằng nhiều giải pháp thực hiện tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư theo hướng đơn giản, hiện đại, có sự phối hợp và liên kết bằng công nghệ thông tin giữa cơ quan quản lý tương ứng của Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, Ban Quản lý thực hiện các sáng kiến, giải pháp CCHC, trong đó thủ tục hành chính từng bước được đơn giản hóa, cập nhật, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp và công bố, công khai đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, quản lý doanh nghiệp, xuất nhập khẩu...; ứng dụng nền tảng cửa khẩu số từ ngày 21/02/2022 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh; đã số hoá 100% hồ sơ có hiệu lực giai đoạn 2018-2023. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quôc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn

Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quôc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

Trong năm 2023, Ban Quản lý tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng nông sản xuất khẩu trong thời kỳ cao điểm, hàng hóa xuất nhập khẩu có giá trị cao. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xử lý công việc ở các cấp, ngành và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ, kịp thời, sát với thực tiễn; trình độ, năng lực và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hoá, nâng cao.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin, Ban Quản lý phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện, sử dụng hiệu quả nền tảng cửa khẩu số để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Luỹ kế đến 30/11/2023, tổng số phương tiện nhập khẩu là 182.468 phương tiện. Tổng phương tiện xuất khẩu là 122.606 phương tiện.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ trong công tác GPMB, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư; Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường hỗ trợ, giải quyết vướng mắc phát sinh đảm bảo triển khai hiệu quả Nền tảng cửa khẩu số; Tổ chức hội nghị gặp mặt với doanh nghiệp, chủ hàng, tiếp thu, giải quyết những ý kiến, phản ánh khó khăn vướng mắc, để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh...

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế cửa khẩu Bắc Trung bộp/Bài 1: Tiềm năng lớn từ vận tải hàng hóa

    Kinh tế cửa khẩu Bắc Trung bộ Bài 1: Tiềm năng lớn từ vận tải hàng hóa

    15:45, 28/10/2023

  • Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình?

    Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình?

    03:32, 15/10/2023

  • Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quảng Ninh khởi sắc

    Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quảng Ninh khởi sắc

    14:58, 14/09/2023

  • Quảng Ninh: Khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

    Quảng Ninh: Khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

    06:46, 02/09/2023

  • “Đìu hiu” Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang

    “Đìu hiu” Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang

    02:39, 17/08/2023

LÊ NAM - QUÂN BẢO