Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình?

Diendandoanhnghiep.vn Vì những bất lợi về địa hình cũng như nguồn vốn đầu tư, cửa khẩu quốc tế Cha lo tại tỉnh Quảng Bình đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng quy mô.

>>“Lệnh bài” nào cho phép xe biển Lào “đại náo” đường Việt Nam?

Theo ý kiến của các doanh nghiệp vận tải tại khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là các đơn vị vận chuyển hàng hóa thì hiện nay lượng hàng qua cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) với tần suất khá lớn. Trong đó, các doanh nghiệp cho rằng mức phí hạ tầng hiện nay đang đóng khá cao tuy nhiên cơ sở hạ tầng lại không đảm bảo.

Cụ thể, các doanh nghiệp do rằng hiện nay bãi hạ tải, sang tải tại CKQT Cha Lo còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuyến Quốc lộ 12 dẫn đến cửa khẩu còn khá chật hẹp và dịch vụ phụ trợ tại khu vực cửa khẩu cũng chưa tương xứng.

Theo các doanh nghiệp, hạ tầng tải cửa khẩu quốc tế Cha lo hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị.

Theo các doanh nghiệp, hạ tầng tải cửa khẩu quốc tế Cha lo hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị.

Giải đáp về các thông tin trên, ông Lưu Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng các KCN, KKT Quảng Bình cho hay câu chuyện quản lý trật tự tại CKQT Cha lo đã có một Ban quản lý cửa khẩu và văn phòng quản lý tại khu vực đảm nhiệm. Cụ thể, Ban quản lý cửa khẩu gồm đội liên ngành có Trung tâm quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan và một số đơn vị khác như kiểm dịch động vật, thực vật,....

“Còn lại, về bãi hạ tải thì sau khi Ban quản lý Khu kinh tế đầu tư hạ tầng xong đã giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng quản lý và sử dụng. Đây là bãi dùng chung, các ô tô của doanh nghiệp đều đến sử dụng để sang tải”, ông Dũng cho hay.

Về vấn đề doanh nghiệp phản ánh bãi sang, hạ tải không đáp ứng nhu cầu, ông Dũng cho rằng vì bãi hạ tải được đầu tư theo nguồn Ngân sách Nhà nước và địa hình hẹp nên việc đầu tư khá khiêm tốn. Chính vì vậy, khi lượng phương tiện vận chuyển về đến cửa khẩu nhiều thì sẽ gặp khó khăn trong việc hạ tải.

Thông tin từ vị này, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đang có chủ trương xã hội hóa vấn đề bãi hạ tải. Trong đó, địa phương đã có đoàn công tác đi học tập tại cửa khẩu Lạng Sơn và cũng có một doanh nghiệp ở Lạng Sơn đang nộp hồ sơ để đầu tư làm bãi hạ tải. Cụ thể là doanh nghiệp muốn mua lại toàn bộ cơ sở đã được đầu tư bằng vốn Ngân sách và thuê thêm một số khu vực để đầu tư thêm nhiều dịch vụ bổ sung như ăn uống, nghỉ ngơi,...

Các dịch vụ phụ trợ hiện nay vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ so với lượng phương tiện thực tế.

Các dịch vụ phụ trợ hiện nay vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ so với lượng phương tiện thực tế.

“Về vấn đề thu phí, từ năm 2013 Ban quản lý Khu kinh tế đã cùng các đơn vị của UBND tỉnh đã đi học tập tại các cửa khẩu phía Bắc. Sau đó, các đơn vị như hải Quan, sở Tài chính, các đơn vị liên quan và doanh nghiệp đã có một cuộc họp về vấn đề này và thống nhất thu thí điểm. Sau đó, đơn vị đã có đề án trình UBND tỉnh Quảng Bình cho thu thí điểm đến tháng 5/2014. Tiếp đến, tháng 7/2014 UBND tỉnh có Nghị quyết trình HĐND về việc thu phí và được thông qua, có quy định đơn giá thu phí theo từng loại xe. Việc thu phí đều tuân thủ theo quy định của Pháp luật”, ông Lưu Văn Dũng thông tin.

Theo tìm hiểu, mức phí được quy định hiện nay có đơn giá từ 50.000 – 1.300.000 đồng/xe. Trong đó, với hàng hóa xuất khẩu sẽ có mức phí cao nhất là 450.000 đồng/ xe. Đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất có mức phí từ 200.000 – 1.300.000 đồng/xe, cao nhất là phương tiện có tải trọng từ 20 tấn trở lên, xe container 40Feet. Với các phương tiện vận chuyển hàng hóa khác có mức thu phí từ 200.000 – 1.100.000 đồng/xe.

Ông Lưu Văn Dũng cho hay, mức phí từ năm 2013 đến nay đều không thay đổi, chỉ có giảm vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về các khoản thu hằng năm, vị này cho hay năm 2021 đơn vị thu được 104,5 tỷ đồng (nộp Ngân sách Nhà nước  90 tỷ đồng), năm 2022 thu 68,670 tỷ đồng (nộp 64 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã thu được 84,5 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 70,5 tỷ đồng.

Đường lên cửa khẩu Cha lo xuống cấp vì xe tải trọng lớn, gây mất an toàn giao thông tại khu vực.

Đường lên cửa khẩu Cha lo xuống cấp vì xe tải trọng lớn, gây mất an toàn giao thông tại khu vực.

Thông tin thêm về vấn đề thu chi, ông Dũng cho hay thực hiện theo Quyết định 4135 của UBND tỉnh Quảng Bình, đơn vị thu phí được giữ lại 15% trong tổng số thu để chi trả các khoản phí hoạt động. Cụ thể, trong số này trích lại cho các đơn vị hỗ trợ và Trung tâm quản lý hạ tầng giữ lại để trả lương và các chi phí liên quan, chi phí vận hành nhà liên ngành.

“Trong số 15% kinh phí để lại thì có bảo dưỡng, duy tu gồm bảo dưỡng đường, sửa nhà liên ngành, dụng cụ,... Còn lại, đối với vấn đề tái đầu tư thì thuộc chức năng của Ban quản lý Khu kinh tế. Đối với mức thu phí mà doanh nghiệp cho rằng cao mà hạ tầng không tương xứng, hiện tại không biết thế nào là cao hay thấp. Vì khi đi học tập tại Móng Cái về thì chúng tôi nhận thấy mức giá ở đó còn cao hơn và đơn vị chỉ thu phí các xe chở hàng, xe không có hàng sẽ không thu phí. Mức giá hiện tại đang thấp hơn các nơi khác từ 3-4 lần”, ông Dũng nói.

Đối với vấn đề hạ tầng không tương xứng, vị Giám đốc này cũng chia sẻ hiện tại CKQT Cha Lo chưa thể mở rộng được vì vướng rất nhiều vấn đề. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là có ảnh hưởng đến đất quốc phòng và rừng đầu nguồn nên không thể chuyển đổi. Chính vì vậy, với lưu lượng phương tiện vận tải dày đặc như hiện nay đang trở thành thách thức đối với đơn vị quản lý, việc lưu thông của các phương tiện cũng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn tai nạn giao thông,...

Một vấn đề khác đáng lưu ý tại CKQT Cha lo là “xe 2 khúc” mang biển số Lào thường xuyên chở hàng có dấu hiệu quá khổ, quá tải nhưng vẫn được thông quan. Đây là các phương tiện cải hoán, nối trục để có thể vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn. Tuy nhiên, các tuyến đường nối cửa khẩu luôn bị “giày xéo”, nhiều khu vực xuống cấp nghiêm trọng và xuất hiện sự bất công bằng giữa doanh nghiệp vận tải Việt Nam - Lào.

Trước đó tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Sĩ – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (người được Cục Hải quan cử làm việc với phóng viên) cho hay, vấn đề “xe 2 khúc” trên địa bàn cũng đang gây nhức nhối trong cộng đồng doanh nghiệp và việc xử lý các  phương tiện này đang gặp nhiều khó khăn. ông Sĩ cho rằng xe Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo khá nhiều năm và lực lượng Hải quan không có chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm tải trọng?.

Ông Sĩ cho biết việc xác định quá tải hay không quá tải không phải là chức năng của Hải quan, nếu tải trọng đè lên trục thì Hải quan không làm được vì không chuyên ngành nên cho thông quan. Cục Hải quan Quảng Bình đã thường xuyên báo cáo lên Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh đề nghị quy định rõ tải trọng cho phép đối với các phương tiện này tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết.

“Hải quan có thiết bị cân tải trọng, tuy nhiên nếu đối chiếu theo quy định thì Hải quan không làm được. Bởi lẽ, không có quy định Hải quan sẽ phải cân theo bao nhiêu tấn, mà chỉ quy định không được thông quan hàng hóa nếu quá tải trọng ghi trong giấy phép đăng ký xe và bên Lào không có ghi tải trọng vào giấy phép hoặc nếu có thì ghi tải trọng rất lớn. Có cân nhưng cân xong để làm gì?”, ông Sĩ nêu vấn đề.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình về việc sửa chữa, nâng cấp các đoạn đường hư hỏng trên quốc lộ 12A qua địa bàn. Ngoài việc sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo cho xe cộ lưu thông an toàn và thuận tiên, Bộ GTVT cũng cho hay sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Bình để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng nền mặt đường quốc lộ 12A, quốc lộ 12C, quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn tỉnh từ ngân sách trung ương để nâng cao an toàn giao thông trên tuyến hơn nữa.

Theo tìm hiểu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2030, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo có tổng diện tích khoảng 53.923ha bao gồm ranh giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Minh Hóa (Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến). Khu vực này sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các tỉnh miền Trung với Lào, Thái Lan, Myanmar đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714374702 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714374702 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10