Kinh tế Thái Bình 2023: Thấy gì từ con số tăng trưởng?

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 01/01/2024 01:15

Năm 2023, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, kinh tế Thái Bình vẫn cơ bản ổn định và tăng trưởng khá với 7,37%.

 Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG trị giá gần 2 tỷ USD cho liên danh 3 nhà đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG trị giá gần 2 tỷ USD cho liên danh 3 nhà đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút FDI

Năm 2023 đã được dự báo là năm đầy những khó khăn, thách thức sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nền kinh tế Thái Bình có độ mở cao nên những tác động này càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của Thái Bình có sự đóng góp rất lớn của khối doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, lạm phát, giảm sức cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Như lời Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình – Ngô Đông Hải đã từng nói: “Sự nỗ lực, đoàn kết, dày công phấn đấu, bền bỉ thực hiện của cả hệ thống chính trị sẽ là sức mạnh, là động lực giúp tỉnh vượt qua khó khăn, giải quyết được nhiều vướng mắc, nút thắt, khơi thông nguồn lực thúc đẩy sự phát triển”.

Hãy nhìn vào những con số “biết nói” về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương này để minh chứng cho lẽ trên. Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022); Tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022;

Mặc dù bị ảnh hưởng do thực hiện chính sách giãn hoãn và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên, Năm 2023 thu nội địa ước đạt 10.189 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp thu nội địa đạt trên 10.000 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, thể hiện sự quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Những con số tăng trưởng dương – tuy không phải quá ấn tượng, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng thấp hơn, thậm chí tăng trưởng âm thì quả thực đây là một sự nỗ lực rất lớn, đáng ghi nhận.

Năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư FDI. Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, Thái Bình đã và đang khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo thống kê tính đến tháng 12 năm 2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt trên 1,0 tỷ USD. Đặc biệt, tại sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản diễn ra ngày 16/12 trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài Thái Bình thu hút được đã đạt trên 3 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay, cao nhất kể từ trước tới nay, xếp thứ 5 toàn quốc về vốn thu hút đầu tư nước ngoài FDI cho thấy Thái Bình đang nổi lên là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục “dọn tổ” đón “đại bàng”

Song song với phát huy nội lực, tỉnh vận dụng linh hoạt, năng động và đổi mới trong thu hút, xúc tiến nguồn lực đầu tư từ bên ngoài tạo thêm sức mạnh mới để phát triển. Từ năm 2022 đến nay, Thái Bình đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đi quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nhiều nước có trình độ phát triển cao trên thế giới như Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản... Đặc biệt là Hàn Quốc, các đoàn công tác của tỉnh đã hai lần sang làm việc, xúc tiến đầu tư và thành lập văn phòng xúc tiến tại Seoul.

Bên cạnh quảng bá mảnh đất, con người, tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, các hoạt động xúc tiến còn cho các đối tác thấy rõ khát vọng vươn lên, sự thiện chí mời gọi, đón tiếp và thật lòng mong muốn hợp tác đầu tư cùng phát triển của Thái Bình.

Và những trái ngọt đầu tiên đã tới, nhiều tổ chức đối tác, hiệp hội, doanh nghiệp đến Thái Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư và đã đầu tư hàng chục dự án quy mô lớn với vốn đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng nhiều đơn hàng hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa được ký kết. Các doanh nghiệp FDI ngoài mang nguồn lực đầu tư còn đưa những tri thức, công nghệ tiên tiến của nền công nghiệp 4.0 đến làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong mỗi người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự đột phá “thay đổi về chất” cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc – ông Lee Myung Bak khi đến thăm Thái Bình (tháng 12/2023) đã đánh giá đây là tỉnh rất năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, môi trường an ninh xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, lực lượng lao động. Từ tình cảm đặc biệt đó, ngài cựu Tổng thống đã có lời kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc hãy lựa chọn tỉnh Thái Bình làm nơi đầu tư sản xuất, kinh doanh khi tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, PCI nằm trong Top 15-20. Do đó, mỗi năm qua đi, tỉnh lại có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là phải biết tự tin, vượt qua chính mình, sẵn sàng đối mặt, ứng phó với khó khăn, thách thức, những tình huống đột xuất, bất ngờ, chưa có tiền lệ.

Đặc biệt, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tỉnh phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; phải xác định rõ mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu, nỗ lực sáng tạo để đạt mục tiêu đề ra bằng các kết quả cụ thể. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh để tỉnh tiếp tục vững vàng cùng vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, hướng đến những kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

    Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

    00:20, 18/12/2023

  • Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

    Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

    19:17, 15/12/2023

  • Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới

    Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới

    07:55, 08/12/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG