Hậu Giang: Biến khát vọng thành hành động
Biến tiềm lực thành nguồn lực, biến khát vọng thành hành động thiết thực, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Để Hậu Giang phát triển xứng tầm theo kỳ vọng của Bộ Chính trị và Nhân dân vùng ĐBSCL.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2023 với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh Hậu Giang đã tập trung hiện thực hoá các Nghị quyết, chương trình, đề án phát triển đề ra từ đầu năm. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.
- Xin ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của tỉnh nhà trong năm 2023?
Năm 2023, tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực. Các chỉ tiêu năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (hiện hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh; trong đó có 14 vượt kế hoạch, 04 chỉ tiêu đạt kế hoạch).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tiếp tục duy trì ở mức cao đạt 12,27% tăng 2 bậc so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: giảm khu vực I (khu vực nông - lâm - thuỷ sản), tăng khu vực II (khu vực công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (khu vực thương mại - dịch vụ). Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách trên địa bàn cũng tăng 6,27% so với cùng kỳ 2022.
Bên cạnh đó, về lĩnh vực nông nghiệp, tăng trưởng đạt 3,12%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng 28,32%. Về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
- Để tạo nên những kết quả nổi bật trên, tỉnh Hậu Giang đã có những giải pháp trọng tâm nào thưa ông?
Tỉnh Hậu Giang xác định 4 trụ cột kinh tế để phát triển đột phá, đó là: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Do đó, tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển 4 trụ cột kinh tế đã đề ra, tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo động lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, luôn cố gắng tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công, chuyển đổi số. Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn với cam kết "2 nhanh, 3 tốt" đó là "Giải phóng mặt bằng nhanh, Thủ tục đầu tư nhanh" và "Cơ hội tốt, Chính sách tốt, Hạ tầng tốt"; đồng thời, thực hiện chuyển tư duy từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ" người dân và doanh nghiệp…
- Năm 2024 được đánh giá là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh Hậu Giang, là năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025. Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm chính?
Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy nhanh triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2024, tỉnh đã đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu và hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp. Trên cơ sở đó, tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung tối đa các nguồn lực triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế 2024; các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả bền vững. Tập trung nguồn lực tài chính phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo động lực gia tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ cùng với hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số.
Thường xuyên chủ động làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hiện thực hoá tối đa hiệu quả các dự án đầu tư đã ký kết. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ đạt mục tiêu chương trình đề ra.
Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm