Hoàn thiện chính sách pháp luật, đón sóng đầu tư FDI
Chuyên gia cho rằng, các quy định pháp luật về đầu tư nói chung và việc thu hút FDI ở Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên, nhiều quy định vẫn chồng chéo đang tạo rào cản đối với thu hút FDI…
Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi năm 2020) đã có nhiều quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tận dụng nguồn lực từ trong nước cũng như thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi 2020) cũng đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay…
>>Doanh nghiệp FDI vẫn phải chịu “gánh nặng” thực thi quy định
Vẫn còn nhiều rào cản
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình thực thi Luật Đầu tư 2020 đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Cụ thể như: Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa có quy định thống nhất trong việc quyết định chủ trương thực hiện dự án (đối với dự án ngoài ngân sách) với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; Vướng mắc về thủ tục đầu tư liên quan tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư quy định và điều 62 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) và Điều 63 (Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) của Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu; Vướng mắc giữa Luật Đầu tư 2020 và Luật Nhà ở liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở; Quy định vướng mắc giữa Luật Đầu tư 2020 và Luật Lâm nghiệp liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…
Hay như những rào cản về thủ tục hành chính, quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… mà đại diện các nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ ra và kiến nghị đến Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài hồi tháng 4/2023.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HEAWAY Việt Nam cho rằng, trong thời gian gần đây, các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn PCCC liên tục được ban hành, sửa đổi nhằm mục đích phòng tránh rủi ro, bảo vệ quyền lợi và tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng gấp nhiều lần thời gian, chi phí, và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của Việt Nam.
Đáng chú ý, liên quan đến chính sách thuế đối với FDI, ông Phương cho rằng, chính sách thuế hiện tại ở Việt Nam là một trong những công cụ đắc lực thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, trong bối cảnh EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang nhanh chóng nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu với mục đích thu thuế bổ sung ngay từ đầu năm 2024.
“Nhiều quốc gia cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan… đã và đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu thông qua hình thức ưu đãi, trợ cấp… Điều này tác động không nhỏ đến sức hút môi trường đầu tư Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần khẩn trương xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng”, ông Phương nói.
>>TP HCM: Thủ tục hành chính đang “cản đường” doanh nghiệp FDI
Cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật
Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Trong đó, theo luật sư Nhung, có một số giải pháp cần cấp thiết thực hiện.
Thứ nhất, cần sớm hoá giải các quy định xung đột, chồng chéo lớn trong các văn bản luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở... Hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Tài nguyên nước… Do đó cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về tiếp cận tài nguyên đất đai, tài chính… liên quan đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, tập trung rà soát và kịp thời tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế… để môi trường đầu tư kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng hơn hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Đặc biệt, theo luật sư Nhung, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để giải tỏa nỗi lo lắng khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và hiệu quả của dự án của cộng đồng doanh nghiệp FDI. Mặc dù hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành đã và đang tích cực nghiên cứu nhằm đưa ra chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu…
Tuy nhiên, về lâu dài, vị luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, cần bổ sung quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu; quy định về quyền đánh thuế bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
“Cùng với đó, để đảm bảo tính hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài trong bối cảnh thực hiện Trụ cột 2 (về thuế tối thiểu toàn cầu) cần cân nhắc xây dựng các hình thức hỗ trợ phù hợp ngoài thuế nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng”, nữ luật sư kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm