Hải Dương: Tăng cường quản lý hoạt động bến bãi ven sông

MINH HUỆ - TRUNG THÀNH 03/01/2024 00:30

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi, mới đây BTV Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành NQ số 36-NQ/TU về việc tăng cường quản lý hoạt động bến, bãi trên địa bàn.

>>>Vì sao tạm dừng thực hiện Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương?

Thực trạng...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 19 tuyến đê, với tổng chiều dài 373,3km nhưng đã có tới 376 bến bãi, trong đó 280 bến bãi đang hoạt động. Tính bình quân chưa đến 1km bờ sông lại có một bến bãi đang tồn tại, tạo ra sự lộn xộn về an ninh trật tự, môi trường sinh thái, quản lý tài nguyên và gây khó khăn cho công tác phòng, chống lụt bão.

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 189 bến bãi ở thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành. Kết quả kiểm tra cho thấy hoạt động bến bãi của hai địa phương nêu trên rất phức tạp, tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến an toàn đê điều, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, thất thu thuế.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương: Tỉnh vừa ban hành NQ số 36-NQ/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, hoạt động của các bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa bằng đường thủy với tỷ trọng lớn, đáp ứng nguyên, vật liệu phục vụ các dự án, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động của các bến, bãi có thời điểm diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, đê điều, giao thông, khoáng sản, môi trường... Trong đó nhiều trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không phép, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu ngân sách...

Tình trạng bến, bãi hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn ra nhiều. Trong ảnh: Một trạm trộn bê tông ở xã Tân Phong (Ninh Giang) vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhưng chưa được giải tỏa (Ảnh: Báo Hải Dương)

Tình trạng bến, bãi hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn ra nhiều. Trong ảnh: Một trạm trộn bê tông ở xã Tân Phong (Ninh Giang) vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhưng chưa được giải tỏa (Ảnh: Báo Hải Dương)

Theo ông Ðỗ Tiến Bậc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương: Hiện còn nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động bến bãi. 64,1% bến bãi trong tỉnh hoạt động không phép; phần lớn các bến bãi vẫn chất tải trong mùa lũ, một số bến bãi chất tải cao, khối lượng lớn, dùng xe quá tải trọng đi trên đê gây hư hại mặt đê; tồn tại nhà lán, công trình trái phép, không phép ngoài bãi sông... Khoảng 47% bến bãi đang hoạt động không có chứng nhận đầu tư; một số bến bãi hoạt động sai mục đích dự án, sai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hơn 48% số bến bãi hoạt động không có thủ tục hợp pháp về đất; nhiều bến bãi sử dụng đất quá diện tích được cấp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bến bãi không có giấy phép hoặc giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hết hạn, sử dụng phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm để vận chuyển cát, sỏi; không ít bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản không rõ nguồn gốc...

Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động bến bãi còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù thời gian gần đây Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thiện quy hoạch vùng, tuy nhiên chưa có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các bến bãi không phù hợp với quy hoạch, chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động và giải tỏa các bến bãi hoạt động không phép hoặc có vi phạm.

Ông Ngô Bá Ðịnh – PCT UBND huyện Thanh Hà cho biết: Thanh Hà có 35 bến bãi ven sông. Thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý và xử lý vi phạm hoạt động bến bãi có liên quan đến đê điều. Nhiều bến bãi đã chủ động thực hiện sự chỉ đạo của huyện và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn những bến bãi hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là các bến bãi không nằm trong quy hoạch. Hiện các cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Hà đã và đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm hoạt động bến bãi theo chức năng, thẩm quyền.

Tăng cường xử lý vi phạm

Trong năm 2023, đoàn kiểm tra tỉnh đang tiếp tục kiểm tra 187 bến bãi tại các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh.

Ông Ðỗ Chu Hùng - Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Thanh Hà cho biết: Từ đầu năm tới nay, huyện đã kịp thời phát hiện và giải tỏa bốn công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ba cá nhân với số tiền xử phạt 110 triệu đồng do đã có hành vi đào đất trong hành lang bảo vệ đê.

Ðối với 9 bến bãi ngoài quy hoạch buộc phải dừng hoạt động, đã có sáu chủ bến chấp hành và giải tỏa toàn bộ khối lượng vật liệu tập kết vi phạm hành lang bảo vệ đê, còn ba chủ bến bãi chưa chấp hành tại xã Hồng Lạc, xã Thanh Cường và bãi vật liệu của Công ty TNHH Thành Phát, xã Vĩnh Lập. Ðối với 21 vị trí dự án, bến bãi thuộc diện tạm dừng hoạt động để hoàn tất các thủ tục hồ sơ cấp giấy phép, các chủ bến bãi đã cơ bản chấp hành không đưa mới vật liệu lên bến bãi.

Ông Nguyễn Công Thân - Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Tứ Kỳ khẳng định: Tại huyện Tứ Kỳ, các trường hợp vi phạm Luật Ðê điều, Luật Phòng chống thiên tai luôn được phát hiện sớm, lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời theo quy chế phối hợp trong phòng ngừa và xử lý vi phạm.

Trong năm tháng đầu năm 2023, Hạt quản lý đê Tứ Kỳ đã xử lý xong tám vụ vi phạm nghiêm trọng về Luật Ðê điều; đồng thời chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã ven đê tuyên truyền, vận động các bến bãi tháo dỡ các nhà lán. Kết quả đã tháo dỡ được 20 công trình nhà lán, với tổng diện tích nhà lán là 725,73m2…

Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động bến bãi, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hải Dương đang triển khai kiểm tra bến bãi tại các địa bàn chưa được kiểm tra, qua đó sẽ xác định, chỉ rõ các sai phạm, đánh giá nguyên nhân để đề xuất các giải pháp quản lý và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ngành thực hiện xử lý các vi phạm; hướng dẫn, quản lý hoạt động bến bãi theo đúng quy định pháp luật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Theo tỉnh Hải Dương: Thời gian qua, do công tác quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trong thời gian qua chưa được các cấp, ngành quan tâm thỏa đáng, xử lý các vi phạm chưa quyết liệt. Công tác tranh tra, giám sát chưa thường xuyên, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các chủ đầu tư kinh doanh bến bãi chưa đầy đủ; ý thức chấp hành của các chủ bến bãi chưa nghiêm.

Nghị quyết yêu cầu chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024. Từ năm 2026, tất cả bến, bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý hoạt động bến, bãi. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý hoạt động bến, bãi tại địa phương mình.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế trong quản lý hoạt động bến bãi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động bến, bãi. Kiên quyết chấm dứt hoạt động và tổ chức giải tỏa đối với các bến bãi không có quy hoạch. Dừng hoạt động đối với các bến, bãi thiếu các thủ tục pháp lý có vi phạm nhưng không khắc phục.

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bến bãi; đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để vi phạm kéo dài hoặc phát sinh mới.

Khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công khai các thủ tục liên quan đến hoạt động bến, bãi, quản lý thuế, phí để chống thất thu ngân sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao tạm dừng thực hiện Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương?

    Vì sao tạm dừng thực hiện Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương?

    03:00, 02/01/2024

  • Hải quan Hải Dương: Bứt tốc về đích với kết quả ấn tượng

    Hải quan Hải Dương: Bứt tốc về đích với kết quả ấn tượng

    01:43, 02/01/2024

  • Du lịch Hải Dương

    Du lịch Hải Dương "muốn đi xa phải đi cùng nhau"

    00:20, 01/01/2024

MINH HUỆ - TRUNG THÀNH