Nghệ An: Dự án gần 150 tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý rác bị “đóng băng”?
Để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm từ bãi rác “quá tải”, TX Thái Hòa, Nghệ An đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến gần 150 tỷ đồng…
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay dự án này mới chỉ hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng chứ chưa thể triển khai thi công thực hiện do đang vướng mắc về một số thủ tục pháp lý liên quan.
Trong khi đó, bãi rác thải tập trung hiện nay của TX Thái Hòa lại cho thấy dấu hiệu quá tải đến mức “báo động”, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, sinh sống của người dân địa phương.
Lượng rác ngày càng “phình to”…
Ghi nhận tại bãi rác thải tập trung của TX Thái Hòa cho thấy, một lượng lớn rác thải được chất đống thành “núi”, có dấu hiệu quá tải… Điều này đã khiến cho dư luận và người dân địa phương dấy lên nhiều lo ngại vì mối nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường ngày càng hiện hữu?!
Qua tìm hiểu của PV, bãi rác tập trung nói trên được đặt tại xóm 4, xã Nghĩa Hòa cũ và nay là phường Long Sơn, TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An; với diện tích chôn lấp dự kiến hơn 63.500 m2, công suất xử lý hơn 30.000 tấn rác/năm. Nơi đây là địa bàn nằm ở khá xa khu dân cư, tuy thuộc phường Long Sơn nhưng lại có một bộ phận người dân xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu ở gần khu bãi rác này.
>>Nghệ An “đau đầu” với công tác xử lý rác thải sinh hoạt
Bãi rác đã đi vào hoạt động từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đến nay bãi rác này đã nảy sinh những bất cập liên quan đến môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Cụ thể, qua quan sát, lượng rác thải trong bãi được chia thành 2 khu rõ rệt, nằm cách nhau bằng 1 con đường nội bộ của dự án và đã có dấu hiệu của sự quá tải, ùn ứ, chất thành đống lớn, độ cao lên đến vài mét; trong khi đó, mùi hôi thối thì bốc lên nồng nặc, bao trùm cả khu vực xung quanh…
Đáng nói hơn, quá trình “mục sở thị”, chúng tôi nhận thấy không có bất cứ dấu hiệu của việc xử lý mà chỉ có một số người dân đang thu gom, tận dụng để mang đi bán cho các cơ sở phế liệu. Không những vậy, do hệ thống bể thu gom, xử lý nước rỉ rác đã bị “vô hiệu hóa” không thể sử dụng từ lâu nên lượng nước rỉ rác có màu đen kịt cứ thế chảy lênh láng khắp nơi, trước khi “vô tư” chảy lan ra ngoài môi trường, trôi xuống khe suối…
Theo người dân địa phương cho biết, từ nhiều năm về trước, trong khuôn khổ các kỳ họp tiếp xúc cử tri thì người dân xóm Đông Quang thường đưa vấn đề ô nhiễm của bãi rác thải này ra để chất vấn, đồng thời mong muốn các cấp chính quyền địa phương sẽ sớm có phương án giải quyết dứt điểm giúp họ. Vậy nhưng, thời gian qua, khối lượng rác thải tại khu vực này ngày càng tăng lên rất nhiều và có dấu hiệu quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
>>Phân loại rác thải đầu nguồn - vẫn loay hoay “như gà mắc tóc”?
Liên quan đến thực trạng đáng lo ngại nói trên, ông Hồ Công Sâm - Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu thông tin: Bãi rác tập trung TX Thái Hòa nằm ở phường Long Sơn gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cư dân xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu là có thật. Cử tri các năm trước có phản ánh về tình trạng trên. Sau khi phản ánh thì mới đây đơn vị xử lý cũng có cố gắng trong quy trình xử lý nên thời gian gần đây thấy ruồi muỗi cũng ít hơn trước, đỡ hơn trước.
“Mong muốn của người dân và chính quyền là nhà đầu tư sớm đầu tư hoàn thiện nhà máy xử lý rác mới để thay thế bãi rác cũ này thì tình trạng ô nhiễm mới mong chấm dứt triệt để được”, vị Chủ tịch UBND xã bày tỏ thêm.
Nhà máy xử lý rác vẫn “đóng băng”?
Quay ngược thời gian trở lại hơn 6 năm về trước, để giải quyết dứt điểm các hệ lụy về môi trường từ bãi rác, đầu tháng 11/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 5326/QĐ.UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải Thái Hòa. Dự án được triển khai trên diện tích 7,5ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 146,05 tỷ đồng và giao cho Công ty CP Năng lượng và môi Trường Việt Nam làm nhà đầu tư.
Đến ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 5326 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy. Cụ thể, nhà máy được xây dựng trên diện tích 75.009,50m2, lấy từ đất nông nghiệp của người dân dùng để sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày.
>>Nghệ An: Nhà thầu bỏ cuộc, dự án xử lý rác thải bị “chết yểu”
Dự án có các hạng mục như: Khu nhà điều hành xây 2 tầng, nhà ăn, nhà để xe, nhà nghỉ nhân viên. Cụm công trình này được bố trí phía Đông Nam dự án có khoảng cách và không giam cây xanh để cách ly với công trình chức năng khác. Còn phía Tây Nam thì dùng để xây các công trình phụ trợ như cổng, trạm cân, sân phơi và nơi vệ sinh công cộng.
Khu vực xử lý chất thải gồm nhà xử lý chất thải, khu xử lý nước thải sản xuất, nhà hóa rắn và sản xuất gạch bố trí ở phía Đông. Tại trung tâm phía Đông dùng để xây hồ thu nước mặt, bể chứa nước sản xuất, trạm cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn có dãy cây xanh cách ly bảo vệ môi trường của khu xử lý rác theo chuẩn B = 10 m. Gồm hệ thống cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly và hệ thống cây xanh đường giao thông. Nhằm tạo ra một thảm thực vật để giảm tiếng ồn, giảm ô nhiểm không khí cho các khu xử lý, khu vực nhà máy và môi trường xung quanh.
Cũng dựa theo quyết định nêu trên PV được biết, dự án sẽ được khởi công trong quý I/2018 và xây dựng hoàn thành dự án đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 3/11/2017 (từ đến ngày 3/11/2019 dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động).
Thế nhưng, qua tìm hiểu thì kể từ thời điểm đó cho đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai thi công do đang gặp phải một số vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan. Hiện, dự án nêu trên đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Việc dự án nhà máy xử lý chất thải Thái Hòa loay hoay suốt hơn 6 năm trời vẫn chưa xây dựng xong đã khiến cho bãi rác hiện tại đang từng ngày phải tiếp nhận một lượng lớn rác thải từ TX Thái Hòa và các vùng phụ cận; gây ùn ứ, chất đống ngổn ngang đã tạo nên sự ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.
Đáng ngại nhất là vào mỗi mùa mưa, lượng nước rỉ từ bãi rác sẽ có nguy cơ chảy lênh láng khắp nơi, hòa vào sông suối sẽ dẫn đến “thảm họa” về môi trường…
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công
06:09, 04/01/2024
Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời
00:20, 03/01/2024
Nghệ An tạo “khẩu vị” mới cho du lịch vùng cao
02:00, 02/01/2024
Đuối sức, hàng loạt doanh nghiệp ở Nghệ An rời bỏ “cuộc chơi”
16:11, 29/12/2023