DHT có thêm lợi thế
Công ty CP Dược Hà Tây (HNX: DHT) vừa chào bán thành công lượng lớn cổ phiếu cho ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản), nâng sở hữu của tập đoàn này tại DHT lên gần 33%.
>>>Mùa BCTC quý III/2023: Doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng mạnh
Việc ASKA nâng sở hữu tại DHT không chỉ giúp doanh nghiệp này tái cơ cấu nợ vay, mà còn có thêm lợi thế cạnh tranh.
Giảm áp lực nợ vay
Mới đây, ASKA Pharmaceutical đã báo cáo hoàn tất mua vào 8,4 triệu cổ phiếu DHT. Sau giao dịch, ASKA nâng sở hữu từ 18,4 triệu cổ phiếu (24,9% vốn) lên mức gần 27 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,56% vốn điều lệ. Đây là đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của DHT, với mức giá chào bán là 21.500 đồng/cp.
Năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của DHT khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cp, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của DHT (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này.
32,56% là tỷ lệ sở hữu của ASKA Pharmaceutical tại DHT sau khi mua thêm 8,4 triệu cổ phiếu.
Về phía DHT, sau khi chào bán cổ phần cho ASAKA, vốn điều lệ của Công ty tăng lên mức 8.234 tỷ đồng. Theo đó, DHT dự kiến chi 78 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar; còn lại hơn 102 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính.
Được biết, đến cuối quý 3/2023, nợ vay ngắn hạn của DHT tăng 15% lên 269 tỷ đồng, là các khoản vay từ nhiều ngân hàng, trong đó khoản vay lớn nhất từ VietinBank, Vietcombank và BIDV. Nợ vay dài hạn tăng mạnh gần 40%, lên hơn 142 tỷ đồng, là khoản vay từ ngân hàng MUFG (Mitsubishi UFJ Financial Group).
Tăng khả năng cạnh tranh
Trong thời gian qua, các “đại gia” nước ngoài không ngần ngại rót tiền khủng để chi phối các nhà sản xuất dược nội địa. Điều này phần nào cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường dược Việt Nam. Với đặc thù tăng trưởng ổn định ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ngành dược luôn là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất với giới đầu tư, đặc biệt là khối ngoại. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam như CTCP Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT), Pymepharco (PME)… đều đang có cổ đông chiến lược nước ngoài. Một số đối tác ngoại nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ các doanh nghiệp dược nội địa.
Sự xuất hiện của các cổ đông chiến lược nước ngoài với tiềm lực tài chính và sức mạnh công nghệ đã giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam gia tăng đáng kể lợi thế canh tranh, mở rộng thị trường.
Theo BMI, quy mô thị trường dược Việt Nam hiện vào khoảng 7,7 tỷ USD và có thể tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tổ chức UQVIA Institute xếp Việt Nam vào Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Do đó, việc ngày càng có nhiều đối tác ngoại muốn đầu tư vào các công ty dược Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Được biết, ASKA là hãng dược có tuổi đời hơn 100 năm, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế... Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Việc ASAKA mua thêm cổ phần tại DHT sẽ giúp doanh nghiệp này tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng ngành dược mỹ phẩm năm 2024 và vai trò của xây dựng thương hiệu
17:08, 25/12/2023
Tạo bệ phóng tăng trưởng từ chính sách cho ngành dược
16:00, 29/11/2023
Mùa BCTC quý III/2023: Doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng mạnh
05:00, 22/10/2023
Chiến lược đầu tư phù hợp cho ngành dược
02:00, 15/09/2023