Nhà đầu tư ngoại vẫn chờ hành lang pháp lý thông thoáng

DIỆU HOA 12/01/2024 11:17

Bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

>>Thời điểm cho nhà đầu tư bất động sản xuống tiền?

Nhiều bất cập trong thủ tục pháp lý đầu tư, xây dựng vẫn chờ được sửa đổi, bổ sung.

 Thủ tục pháp lý kìm chân nhà đầu tư

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam lý giải: Quy mô dân số của Việt Nam trên 100 triệu dân, trong đó TP.HCM và Hà Nội có hơn 10 triệu người. Điều này dẫn đến nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại hai thành phố này sẽ tương đối lớn. Thêm vào đó, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ các khu công nghiệp đã tạo hấp lực của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm về thị trường bất động sản Việt Nam, vị chuyên gia chia thành hai hướng chính: Đầu tư cấp dự án và đầu tư cấp doanh nghiệp. Dưới lăng kính cấp doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào các công ty bất động sản niêm yết.

Bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thể chế chính trị ổn định.

Theo ông Khương, mặc dù tổng GDP còn khiêm tốn nhưng tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua của Việt Nam đã thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong những giai đoạn đầy thử thách.

Tuy nhiên, tính phức tạp về quyền sở hữu pháp lý đối với bất động sản nhà ở tại Việt Nam vẫn đặt ra những hạn chế đối với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài vào phân khúc trung cấp đến cao cấp.

Thực tế, ghi của DĐDN thời gian qua, dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam thông qua các thương vụ M&A vẫn diễn ra tương đối sôi động.

Có thể kể đến như, SkyWorld Việt Nam – Doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua lại một khu đất diện tích trên 2.000m2 tại quận 8 (TP Hồ Chí Minh) để phát triển nhà ở; Tập đoàn Gamuda Berhad mua lại 3,68 ha đất ở TP Thủ Đức để phát triển dự án đa dụng; Công ty CP Địa ốc First Real Land (Việt Nam) mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty CP thương mại - dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu lô đất gần 6.900m2 ở TP Đà Nẵng.

Mặc dù các thương vụ M&A vẫn diễn ra tương đối sôi động, nhưng bước sang năm 2023 nguồn vốn từ hoạt động này đổ vào bất động sản đã giảm sút tương đối sâu. Cụ thể, trong năm 2022 tổng lượng vốn của các thương vụ M&A vào BĐS đạt khoảng 1,7 tỷ đô la Mỹ; nhưng đến 10 tháng năm 2023 con số này chỉ còn trên 730 triệu đô la Mỹ, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARs cho rằng nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến những thương vụ bị “kìm chân”.

>>Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản

Chờ chính sách pháp lý thông thoáng

Theo TS Sử Ngọc Khương, quỹ đất ở các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM và Hà Nội.

Nhờ hạ tầng được đẩy mạnh, dự án bất động sản ở các đô thị vệ tinh nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp FDI.

Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai, đặc biệt là vào năm 2024, được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh bất động sản.

"Nhà đầu tư hiện nay vẫn chờ chính sách pháp lý thông thoáng, nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội" - vị chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đang sở hữu dự án 650 căn hộ kèm đất nền tại TP.HCM cho hay "con sóng ngầm" trong thâu tóm quỹ đất, tài sản đang lên cao. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng âm thầm với giá thấp do thị trường rơi vào "vùng đáy", lợi thế thuộc về người có tiền.

“Năm 2024, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhiều hơn các thương vụ sang tên đổi chủ với giá trị hàng triệu USD, thậm chí chục triệu USD”, vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2024, bất động sản Hải Phòng có khởi sắc?

    Năm 2024, bất động sản Hải Phòng có khởi sắc?

    10:41, 11/01/2024

  • Thời điểm cho nhà đầu tư bất động sản xuống tiền?

    Thời điểm cho nhà đầu tư bất động sản xuống tiền?

    03:00, 11/01/2024

  • Điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi 2023

    Điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi 2023

    09:07, 10/01/2024

  • Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản

    Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản

    03:00, 10/01/2024

  • Khơi thông nguồn vốn bất động sản

    Khơi thông nguồn vốn bất động sản

    15:35, 09/01/2024

DIỆU HOA