Trọng tài và các phương thức ADR đóng vai trò ngày càng quan trọng
Cùng sự biến động của kinh tế khu vực và thế giới, vai trò của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) đóng vai trò ngày càng quan trọng nhờ hiệu quả, tiết kiệm...
>> Tăng cường kỹ năng chuyên môn của trọng tài viên đáp ứng thực tiễn thị trường
Đây là chia sẻ của ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Hội thảo “Chiến lược giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Trọng tài quốc tế và những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Thái Bình Dương (Inter-Pacific Bar Association – IPBA) tổ chức ngày 11/01/2024.
Phát biểu khai mạc, ông Dương cho biết, với vai trò là một trung tâm trọng tài hàng đầu Việt Nam, VIAC luôn hướng tới việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trọng tài, đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại Việt Nam và quốc tế. Để thực hiện những mục tiêu trên, VIAC đã phối hợp với các đối tác quốc tế để tổ chức Hội thảo Chiến lược giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Trọng tài quốc tế và những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế.
Theo ông Dương, đây là diễn đàn để các luật sư, trọng tài viên, người sử dụng trọng tài đối thoại, trao đổi về cách thức để trọng tài có thể trở thành một phần trong chiến lược của doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...
Đồng quan điểm đã nêu, khái quát những xu hướng phát triển của trọng tài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, ông Tezuka Hiroyuki – Giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Nhật Bản (JIMC-Kyoto), Luật sư thành viên Công ty Luật Nishimura & Asahi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trọng tài nói riêng và ADR nói chung đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực.
>> VIAC và các Hiệp hội doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác
Theo ông Tezuka Hiroyuki, khảo sát được thực hiện với một số trung tâm trọng tài tại châu Á (VIAC, SIAC, HKIAC) cho thấy, trong năm 2022, các trung tâm này đều tiếp nhận hàng trăm vụ việc mới, và 2 trung tâm trọng tài tại châu Á được xếp hạng trong top 3 trung tâm trọng tài được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới. Từ đó có thể thấy sự phát triển và tăng tốc đáng kinh ngạc của các trung tâm trọng tài châu Á, khẳng định hiệu quả của trọng tài thương mại.
“Với những ưu điểm như bảo mật, linh hoạt, phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm,... các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và chú trọng tìm hiểu trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, hòa giải thương mại cũng là một phương thức dần trở nên phổ biến, sau khi Công ước Singapore về hòa giải thương mại được ký kết vào năm 2020.
Cùng với xu thế phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường ADR tại Nhật Bản cũng có nhiều chuyển biến quan trọng trong năm 2023. Nhiều văn bản pháp luật như Luật Trọng tài (sửa đổi), Luật Áp dụng Công ước Singapore về Hòa giải, Văn bản sửa đổi Luật Xúc tiến Các phương thức giải quyết tranh chấp thay chế được ban hành, đem đến những bước tiến mới cho ADR tại Nhật Bản. Trong tương lai, ADR tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển và mong muốn các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ADR có nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến để có thể thúc đẩy giải quyết tranh chấp trong khu vực”, ông Tezuka Hiroyuki nhìn nhận.
Còn theo ông Phan Trọng Đạt – Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, trên thế giới hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng tích hợp điều khoản kết hợp các phương thức giải quyết tranh chấp ADRs trong hợp đồng, bên cạnh đó, các trung tâm trọng tài cũng có xu hướng đa dạng hóa sản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
“Nắm bắt được xu thế trên, VMC đã phát triển hai sản phẩm dịch vụ kết hợp mới, bao gồm quy trình kết hợp Hòa giải – Trọng tài (Med-Arb), và quy trình kết hợp Trọng tài – Hòa giải – Trọng tài (Arb-Med-Arb). Đây là các sản phẩm đặc thù, thể hiện ở cơ chế phối hợp giữa VIAC và VMC trong khi hai thủ tục tố tụng trọng tài và thủ tục hòa giải được tiến hành độc lập và song song. Với các ưu điểm về kết quả, chi phí cũng như thời gian giải quyết tranh chấp, VMC kỳ vọng các sản phẩm kết hợp trên sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Đạt chia sẻ.
Ngoài các vấn đề đã nêu, tại hai phiên thảo luận: “Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Góc nhìn tổng quan tại Nhật Bản và Việt Nam” và “Trọng tài và ADRs trong hoạt động đầu tư xuyên biên giới thông qua các dự án Mua bán và sáp nhập và Phát triển cơ sở hạ tầng”, các diễn giả và người tham gia đã có những trao đổi sôi nổi về trọng tài cũng như một số phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, hòa giải.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường kỹ năng chuyên môn của trọng tài viên đáp ứng thực tiễn thị trường
10:59, 01/12/2023
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Ưu tiên sử dụng trọng tài trong tranh chấp thương mại
13:21, 07/11/2023
Sẽ có “trọng tài” giám sát giao dịch trực tuyến
03:45, 27/06/2023
Vietcombank nhận 3 giải thưởng quan trọng tại diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2023
14:00, 31/05/2023
Xử lý tranh chấp xây dựng bằng trọng tài
00:06, 13/05/2023