Diễn biến mới về trụ sở 36 Bộ ngành Trung ương tại khu Tây Hồ Tây
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở bộ ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội.
>>Di dời trụ sở bộ ngành: Bài toán đường dài
Cụ thể các số liệu
Theo đó, khu đất quy hoạch được duyệt trong đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành trung ương tại Tây Hồ Tây thuộc địa giới hành chính phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Quy mô khu đất trong đồ án quy hoạch được duyệt khoảng 35 ha (diện tích thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ khoảng 20,7 ha và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm khoảng 14,3 ha).
Trong khu đất được quy hoạch khoảng 35 ha bố trí đất xây dựng trụ sở các cơ quan (12 cơ quan, 1 cơ quan dự trữ); đất công trình dịch vụ, công cộng; đất cây xanh, quảng trường, công viên, đường đạo, cầu vượt, mặt nước và đất đường giao thông. Theo đó, đất xây dựng trụ sở, cơ quan với số người làm việc khoảng 14.500 người.
Cụ thể, trụ sở làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có diện tích đất 10.381 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 25 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Tư pháp, diện tích đất 10.927 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 21 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,7 lần.
Trụ sở làm việc của Bộ Công Thương, diện tích đất 10.382 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 25 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, diện tích đất 10.926 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 21 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,7 lần.
Trụ sở làm việc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, diện tích đất 10.568 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 17 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,8 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Y tế, diện tích đất 10.463 m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,9 lần.
Trụ sở làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, diện tích đất 12.385 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 12 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diện tích đất 11.803 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 14 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần.
Trụ sở làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông, diện tích đất 11.497 m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,6 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng, diện tích đất 11.802 m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Giao thông Vận tải, diện tích đất 11.498 m2 , mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 18 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 3,9 lần.
Trụ sở làm việc của Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ, diện tích đất 7.985 m2 mật độ xây dựng khoảng 50%, tầng cao 14 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 3,8 lần. Dự kiến bố trí trụ sở làm việc của cơ quan dự trữ, diện tích đất 12.389 m2 mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao 12 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần.
Tại khu đất Mễ Trì thuộc phường Trung Văn, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội bố trí trụ sở làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích đất khoảng 49.971 m2. Trụ sở làm việc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, diện tích đất khoảng 31.307 m2, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao từ 17 đến 20 tầng, hệ số sử dụng đất 1 đến 3 lần.
>>Vì sao chậm trễ di dời trụ sở Bộ ngành, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội?
Tính toán kỹ quy hoạch hạ tầng
Chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Theo lộ trình, từ năm 2023 - 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc di chuyển vẫn chậm.
Trao đổi với DĐDN, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết, khu vực Tây Hồ Tây nằm trong tổng thể khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã và được quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, bao gồm các tuyến đường đối ngoại, tuyến đường chính đô thị, đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Các dự án hiện có tại khu vực có mật độ dân số trung bình.
Trong khi đó với khu vực Mễ Trì nằm trong vùng phát triển đô thị mở rộng phía tây của Hà Nội, kế cận với tuyến đường vành đai 3, trục hướng tâm đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu… các tuyến đường này hiện đang bị áp lực tắc nghẽn giao thông khá trầm trọng, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, hình thành theo các dự án riêng lẻ, thiếu kết nối, các dự án đầu tư gần đây có quy mô rất lớn, nhiều công trình cao tầng, nên khu vực Mễ Trì chịu ảnh hưởng quá tại hạ tầng của các khu vực lân cận.
Do đó, nếu xác định di dời trụ sở các Bộ, ngành về 2 khu vực này, cần tính toán thêm bài toán về nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm