Bàn giao nhà chưa đủ điều kiện PCCC: Khách hàng chịu rủi ro

DIỆU HOA 13/01/2024 10:00

Các chuyên gia cho rằng, việc chính quyền mạnh tay yêu cầu người dân phải di dời khỏi nơi ở chưa được nghiệm thu, đồng thời xử phạt nặng chủ đầu tư mới đủ sức răn đe.

 Khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An bị cơ quan chức năng xử phạt vì chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng đã có nhiều cư dân vào ở.

Khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An bị cơ quan chức năng xử phạt vì chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng đã có nhiều cư dân vào ở.

Mới đây, UBND TP.Thuận An (Bình Dương) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với 2 công trình chung cư trên địa bàn dù chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã cho cư dân vào ở.

Bàn giao nhà khi chưa nghiệm thu PCCC

Theo đó, cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An - chủ đầu tư Khu căn hộ - Thương mại dịch vụ cao tầng đường Nguyễn Văn Tiết (tên thương mại Opal Skyline), vì đã đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định (tháng 12/2023).

Mức phạt 90 triệu đồng, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trong thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng (cụ thể là 2 kể từ ngày nhận được quyết định này) phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình, hạng mục công trình đã đưa vào sử dụng.

Một dự án khác cũng bị xử phạt là Khu nhà ở cao tầng Eden-Thuận An vẫn chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong khi đã có rất nhiều cư dân vào ở.

Theo lãnh đạo UBND TP. Thuận An, mặc dù đã treo bảng thông báo trước chung cư nhưng người dân vẫn chưa di dời. Sự việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử lý theo quy định.

Theo quy định, nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy là bước kiểm tra dự án, hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng, khi hoàn tất thủ tục này, các chủ đầu tư mới có thể bàn giao cho cư dân.

Tuy nhiên, tình trạng chung cư đã bàn giao nhưng chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy xảy ra không riêng ở TP HCM. Tại Hà Nội, cơ quan công an cũng liên tục chỉ ra những dự án có những vi phạm tương tự.

Thực tế ở nhiều dự án, chủ đầu tư không minh bạch về công tác phòng cháy chữa cháy cho cư dân. Do đó, ở một số dự án từng xảy ra hỏa hoạn nhưng hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động. Cư dân nhiều lần căng băng rôn gây sức ép chủ đầu tư nhưng mọi việc không được giải quyết.

Thống kê đến giữa năm 202, TP HCM còn hơn 20 công trình, hạng mục (đa số là cao tầng) chưa tiến hành nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Nhiều dự án trong số này đã đưa vào sử dụng từ lâu. Tương tự tại Hà Nội, con số được ghi nhận mới nhất là 23 cao ốc.

 Khu căn hộ - Thương mại dịch vụ cao tầng Opal Skyline bị cơ quan chức năng xử phạt vì đã đưa hạng mục công trình vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định

Khu căn hộ - Thương mại dịch vụ cao tầng Opal Skyline bị cơ quan chức năng xử phạt vì đã đưa hạng mục công trình vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định

Đẩy rủi ro về phía người mua

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia bất động sản cho biết, việc chủ đầu tư ngang nhiên phạm luật, bàn giao căn hộ đưa người dân vào ở thực tế chỉ là cách để thu tiền từ người dân, số tiền phải đóng 95% và 2% quỹ bảo trì. Cùng với đó là việc để người dân không tố cáo, biểu tình trong trường hợp dự án chậm tiến độ bàn giao theo như cam kết.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt để tránh tình trạng đưa cư dân vào ở khi dự án chưa được nghiệm thu, dễ dẫn đến tiền lệ xấu và “nhờn luật”, cơ quan chức năng cần có chế tài xử nghiêm đối với hành vi cố tình bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện. Một mặt vừa có cơ chế phạt tiền, mặt khác cần phải nghiêm túc giám sát, buộc chủ đầu tư dừng việc bàn giao nhà, thu tiền của khách hàng cho tới khi dự án đủ điều kiện bàn giao.

Vị luật sư cũng cảnh báo, đa phần những dự án chưa được nghiệm thu đều liên quan đến hệ thống PCCC chưa đủ quy định, các công trình phụ trợ của dự án chưa hoàn thành như trong giấy phép được cấp… Nếu cư dân nhận nhà tại những dự án chưa được nghiệm thu như vậy có thể gặp nguy hiểm, chưa kể sau khi bàn giao nhà cho cư dân xong, chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không xây dựng các hạng mục phụ trợ cho cư dân.

Do đó, người dân cũng cần tự bảo vệ chính mình và tài sản chỉ nên nhận căn hộ, dọn vào ở khi chủ đầu tư có thể cung cấp đủ giấy tờ nghiệm thu. Trường hợp chủ đầu tư chưa thể cung cấp đủ giấy tờ nghiệm thu mà đã bàn giao đưa người dân vào ở, cần báo cáo chính quyền địa phương để có phương án xử lý và bảo vệ quyền lợi của mình.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay yêu cầu người dân phải di dời khỏi nơi ở chưa được nghiệm thu, đồng thời xử phạt nặng chủ đầu tư mới đủ sức răn đe.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở mới sẽ tác động thế nào đến người mua nhà?

    Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở mới sẽ tác động thế nào đến người mua nhà?

    10:57, 05/01/2024

  • Tháo nút thắt cư trú cho người mua nhà ở xã hội

    Tháo nút thắt cư trú cho người mua nhà ở xã hội

    15:59, 26/12/2023

  • Căn hộ sở hữu 50 năm phía Tây Hà Nội trở thành điểm đến cho người mua nhà

    Căn hộ sở hữu 50 năm phía Tây Hà Nội trở thành điểm đến cho người mua nhà

    09:22, 19/12/2023

  • Bảo vệ quyền lợi người mua nhà

    Bảo vệ quyền lợi người mua nhà "trên giấy"

    04:00, 16/12/2023

DIỆU HOA