Đầu tư công năm 2024: Triển vọng và thách thức
Công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 được dự báo sẽ được Chính phủ và Quốc hội rất sát sao, bên cạnh đó, các vướng mắc, khó khăn cũng sẽ được giải quyết, tháo gỡ.
>>>“Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tạo đột phá hạ tầng
“Bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023
Theo Công ty Chứng khoán DSC, dưới tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tăng trưởng 5,05%, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của 2 năm 2020 (2,87%) và 2021 (2,55%) trong giai đoạn 2013-2023. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng tích cực nếu với các quốc gia trong khu vực, bên cạnh đó, nền kinh tế đã có sự phục hồi (quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước).
Trong đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tích cực được coi như “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, vừa giúp nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, vừa tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, bổ sung thêm một nguồn lớn cho nền kinh tế.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm hỗ trợ và kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng là bài toán cần phải giải quyết trong dài hạn.
Theo ước tính của Global Inflrastructure Outlook, tới năm 2025 Việt Nam sẽ cần khoảng 22,2 tỷ USD nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Với mức tăng trưởng trung bình CAGR khoảng 4,3%, con số này sẽ là 31,9 tỷ USD vào năm 2040. Tuy vậy, ước tính Việt Nam mới chỉ có đủ nguồn lực để đáp ứng khoảng 82-83% lượng vốn này.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mà trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông tại Việt Nam là vô cùng lớn, đòi hỏi phải có 1 hệ thống giao thông đồng bộ kết nối và được đầu tư bài bản, có quy hoạch tốt.
“Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn là rất lớn, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đầu tư công và các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng được dự báo sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng và phát triển”, DSC đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, trong năm 2023, nhu cầu từ thị trường toàn cầu được đánh giá ở mức yếu và dự báo tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2024 do tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng tình trạng lạm phát cao.
Trong bối cảnh đó, một quốc gia có xuất khẩu đóng góp tỷ trọng cao trong GDP như Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh triển khai các chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tổng cầu nội địa, đặc biệt là khi các chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa.
Trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, Chính phủ đã ưu tiên dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển (bao gồm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2023) với số vốn lên tới 727.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 35% tổng chi NSNN và là tỷ lệ lớn nhất từ trước đến giờ. Điều này cho thấy định hướng đẩy mạnh công tác đầu tư công trong kế hoạch ngay từ đầu năm của Chính phủ.
Kỳ vọng giải ngân sẽ đạt khoảng 90 - 95% kế hoạch
Đánh giá về những triển vọng cũng như thách thức cho đầu tư công trong năm 2024, DSC cho biết, ngày 11/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội đã vượt TP.HCM để trở thành địa phương được phân bổ lượng vốn nhiều nhất với 81.033 tỷ đồng (+73%), trong khi đó, vốn phân bổ cho Đà Nẵng là 7.292 tỷ đồng (-8%).
Một số bộ, cơ quan trung ương có kế hoạch vốn lớn là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 56.666 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9.935 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.506 tỷ đồng, Bộ Y tế 1.254 tỷ đồng… Trong đó, nguồn vốn phân bổ cho Bộ GTVT giảm gần 40% so với năm 2023, tuy nhiên, nếu không tính nguồn vốn chương trình phục hồi kinh tế xã hội 2023 (55.549 tỷ) được phân bổ cho Bộ thì lượng vốn mới trong năm 2024 vẫn có sự tăng trưởng so với năm trước.
Xét trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, DSC cho rằng, năm 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc để hoàn thành kế hoạch hiện tại cũng như bắt đầu xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới 2026-2030 mà nhìn xa rộng hơn sẽ hướng tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ.
“Chính vì vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 được dự báo sẽ được Chính phủ và Quốc hội rất sát sao, bên cạnh đó các vướng mắc, khó khăn như tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây dựng, chậm GPMB hay thủ tục hành chính còn chưa tinh gọn sẽ tiếp tục được giải quyết tháo gỡ triệt để”, DSC đánh giá.
Cũng theo DSC, Quyết định 1603/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023), tuy nhiên, đơn vị này cũng kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện, đạt khoảng 90 – 95% kế hoạch.
Mặc dù công tác đầu tư công đã được đẩy mạnh và triển khai trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có trong năm 2023. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này, như tình trạng thiếu hụt, biến động giá cả VLXD, chậm GPMB gây chậm tiến độ dự án…
“Chúng tôi đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm phân hóa đối với các doanh nghiệp xây dựng đầu tư công, các doanh nghiệp có uy tín, năng lực thi công cao và sức khỏe tài chính ổn định sẽ là nhóm chiếm ưu thế trong việc đấu thầu các dự án đầu tư công”, DSC nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công
06:09, 04/01/2024
“Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tạo đột phá hạ tầng
03:30, 02/01/2024
Giải ngân vốn đầu tư công - thấp thỏm mừng, lo
04:30, 21/12/2023
Ngành vật liệu xây dựng năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc nhờ thúc đẩy đầu tư công
04:30, 21/12/2023
Hải Dương: Quyết tâm giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công
05:44, 20/12/2023