Bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm "lực đẩy"

MAI AN 14/01/2024 03:00

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ ngành du lịch mới mong lấy lại niềm tin của nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

>>Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá vẫn khó thanh khoản

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng dự báo được cải thiện trong năm 2024. Ảnh: DH

Chưa thể khởi sắc

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái.  Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. 

Những chính sách thông thoáng từ phía Chính phủ đối với ngành du lịch trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện cho du lịch trong nước phát triển, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch như trước thời điểm COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như pháp lý, thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn.

Trong Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam 2023 và Dự báo 2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý 4/2023 thị trường đã có thêm sự nhộn nhịp bởi việc chạy rumor của một số dự án, chương trình kick off, mở bán quy mô lớn vốn đã vắng bóng trong các quý trước đó. 

Song phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại là phân khúc ghi nhận sự ảnh hưởng nặng nề nhất, đến thời điểm hiện tại vẫn rơi vào những “cú trượt dài”. Mặc dù, nhen nhóm cơ hội “tái sinh” nhờ Nghị định 10/2023/CP-NĐ. 

Số liệu chỉ ra trong quý 4/2023 có khoảng 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, tương đương với nguồn cung quý 3/2023 và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung chủ yếu hiện nay là các sản phẩm căn hộ biển, rải rác cả các khu vực Bắc, Trung, Nam như tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng.

Nguồn cung không đạt như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân chính do một số dự án quy mô lớn phải tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý. 

>>"Đòn bẩy" bất động sản nghỉ dưỡng

Cần thêm lực đẩy

Theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có liên quan chặt chẽ đến thị trường du lịch. Sự liên kết chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực này mang đến những tiền năng lớn bất động sản nghỉ dưỡng khi tận dụng đà tăng trưởng về nhu cầu du lịch bao gồm khách nội địa và quốc tế. 

Cần thêm các lực đẩy để bất động sản nghỉ dưỡng sớm bứt phá trở lại. Ảnh: DH

Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS, nhận định năm 2024 hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch gồm chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023. 

Bên cạnh đó, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. 

Đặc biệt, liên quan đất đai Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Hỗ trợ sự bứt phá trở lại của bất động sản nghỉ dưỡng. 

Ngoài ra, kết hợp cùng với chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc và các chính sách thu hút khách du lịch như khách du lịch Trung Quốc và các kết quả ngoại giao xuất sắc khác ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là tín hiệu đẩy lực cầu lên cao hơn. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VARS cũng cho rằng, năm 2024 vẫn có khả năng gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Với bất động sản nghỉ dưỡng, động lực đầu tư công và quy hoạch của gần 40 tỉnh, thành đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo tiếp tục được phê duyệt ở 63 tỉnh, thành trong năm 2024 sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án vướng mắc ở nội dung này. 

“Tuy nhiên, vẫn cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Thanh nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá vẫn khó thanh khoản

    Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá vẫn khó thanh khoản

    11:00, 09/01/2024

  • 5 “xung lực” phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

    5 “xung lực” phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

    05:00, 05/01/2024

  • "Mùa đông" bất động sản nghỉ dưỡng kéo dài

    11:00, 02/01/2024

  • "Đòn bẩy" bất động sản nghỉ dưỡng

    14:52, 15/12/2023

  • Bất động sản nghỉ dưỡng Nha Trang hấp dẫn nhà đầu tư

    Bất động sản nghỉ dưỡng Nha Trang hấp dẫn nhà đầu tư

    10:56, 27/11/2023

MAI AN