Mặc dù là phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng từ nền kinh tế khó khăn và tác động của đại dịch nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có những động lực quan trọng để phục hồi trong năm 2024.
>>"Mùa đông" bất động sản nghỉ dưỡng kéo dài
Trong giai đoạn trầm lắng chung của thị trường địa ốc, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, cùng với đà hồi phục dần của thị trường, phân khúc này vẫn có nhiều triển vọng để phát triển trở lại nhờ vào những xung lực chính.
Đầu tiên, đó là những tín hiệu vô cùng tích cực từ ngành du lịch. Năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi vượt chỉ tiêu đề ra với 12,6 triệu lượt khách quốc tế và 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 678 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, từ Bộ Chính trị, Chính phủ luôn khẳng định quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và Du lịch Việt lấy lại phong độ sẽ là động lực trực tiếp thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng khởi sắc trở lại.
>>Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng chưa hết "ngủ đông"
Yếu tố thứ hai, đến từ nỗ lực của Chính phủ thông qua hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện khung pháp lý cho condotel. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu ban hành sửa đổi bổ sung quy chuẩn tiêu chuẩn đối với condotel. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh và Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với loại hình này.
Ngoài ra, Nghị định 10/2023 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 cũng mở đường cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch (condotel, resort villa…) tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư.
Mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã vừa có công văn số 10829 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú… theo đúng quy định. Hành động quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành sẽ tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ sự bứt phá trở lại của BĐS nghỉ dưỡng.
Thứ ba, chính sách thị thực mới. Việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày là tin đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhóm khách nghỉ dưỡng cũng như nhóm khách công vụ lên kế hoạch cho chuyến đi đến Việt Nam mà không bị giới hạn về số lần nhập cảnh. Hệ thống sân bay cả nước được nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới, đặc biệt chú trọng đầu tư cảng hàng không quốc tế, mục tiêu phát triển xây dựng hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ phủ khắp các tỉnh thành. Đây sẽ là động lực để du lịch nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng “cất cánh”.
Thứ tư, đến từ nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng. Hiện nay, sau thời gian tìm hướng đi thì các doanh nghiệp đã biết thay đổi cơ cấu và hướng đi để phù hợp hơn với thị trường. Thay vì đơn thuần cung cấp sản phẩm condotel, các chủ đầu tư đã bắt đầu chuyển đổi công năng sản phẩm để đem đến những giá trị và cảm xúc đặc biệt hơn cho khách hàng, chú trọng tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương và đặc trưng cộng đồng, thiên nhiên vào dự án.
Cuối cùng, nhìn về lâu dài, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có biên độ rất rộng để phát triển, lượng cầu rất lớn trong tương lai. Điều này là bởi Việt Nam sở hữu vị trí thuận tiện, nhiều địa danh văn hóa lịch sử đa dạng, bờ biển dài và đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng du lịch ngày càng đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm
6 đề xuất "đặc biệt" cho thị trường bất động sản 2024
13:49, 04/01/2024
Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng chưa hết "ngủ đông"
04:00, 04/01/2024
Kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu bất động sản
03:00, 04/01/2024
Bất động sản 2024: Kỳ vọng "nới" điều kiện vay vốn tín dụng
15:00, 02/01/2024
4 yếu tố tác động tăng trưởng của các doanh nghiệp bất động sản KCN
13:05, 02/01/2024