Cơ hội số hoá chứng khoán
Hiện nay, phân phối hàng hóa online đang là yếu tố tự nhiên của thị trường, nên sau này, việc phân phối cổ phiếu - một loại hàng hóa đặc biệt dưới hình thức online, cũng sẽ tự nhiên như vậy.
>>> Hệ thống KRX sẽ rút ngắn thời gian nâng hạng thị trường chứng khoán?
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Anh, Chuyên gia chứng khoán, Chủ tịch FinPeace khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động số hoá của các công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay?
Tôi nhận thấy thị trường có sự khá cân bằng về cơ hội số hóa đối với các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng bản thân các CTCK đều có tuổi đời non trẻ, vì thị trường chứng khoán (TTCK) mới trải qua gần 24 năm hình thành và phát triển, kể từ khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM - HoSE có phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000.
Nhưng cũng chỉ từ khoảng năm 2006, chúng ta mới có phương thức đặt lệnh trực tuyến đầu tiên của CTCK Vietcombank (VCBS) và từ đó đến nay, các công ty vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến của mình.
Đứng ở góc độ số hóa, đây là một nhiệm vụ khá chiến lược của các CTCK và sự cạnh tranh trong cùng ngành cũng tương đối lớn. Tuy vậy, nếu so sánh với những lĩnh vực ngoài ngành, thì giai đoạn khoảng 5 - 10 năm trở lại đây, các ngành nghề khác đang số hóa nhanh và mạnh hơn.
Một ví dụ cụ thể đó là hệ thống KRX của chúng ta đã lỡ hẹn khá nhiều lần trong thời gian vừa qua hay tình trạng thường xuyên “nghẽn lệnh” tại HoSE khoảng 2 năm trước, gây một số ách tắc trong giao dịch trực tuyến. Về lý thuyết, số lượng khớp lệnh hoàn toàn có thể đạt cao hơn mức thực tế của TTCK Việt Nam rất nhiều. Lượng lệnh đỉnh cao của thị trường trong năm 2022 rơi vào khoảng hơn 1,4 tỷ cổ phiếu giao dịch thành công một ngày - con số lớn nhất trong lịch sử, nhưng cũng không phải quá lớn đối với tầm nhìn trên TTCK của một quốc gia.
- Vậy các CTCK còn gặp những rào cản gì trong quá trình chuyển đổi số, thưa ông?
Trên thực tế, chúng ta có một số rào cản lớn đó là: Thứ nhất, giao dịch chứng khoán là giao dịch có giá trị, có những giao dịch lên tới hàng tỷ đồng nên đòi hỏi mức độ an toàn bảo mật rất cao. Đồng thời, đặc thù của lĩnh vực tài chính - chứng khoán cũng đòi hỏi tiêu chuẩn về mức độ tuân thủ pháp lý nghiêm ngặt.
Thứ hai, những đơn vị thành lập các CTCK vẫn khá non trẻ, trong khi nhiệm vụ chính của họ vẫn là xây dựng thị trường, đưa các hàng hóa tốt, các doanh nghiệp tốt lên sàn, hoặc tư vấn đầu tư cho các khách hàng cá nhân tốt hơn. Mặc dù nhiệm vụ số hóa cũng quan trọng, nhưng không phải nhiệm vụ hàng đầu, nên các CTCK không thể có sự đầu tư như một công ty công nghệ.
Ở nhiều quốc gia khác, họ áp dụng cộng nghệ rất thành công khi thị trường đã trưởng thành và đâu đó xuất hiện một số công ty thuần túy công nghệ, với số lượng nhân sự về công nghệ đông đảo. Những doanh nghiệp này có thể ra đời sau, không phải những tên tuổi lớn về bảo lãnh phát hành, hay tư vấn đầu tư; họ hoàn toàn chỉ cung cấp dịch vụ đặt lệnh và vượt trội trở thành những thành viên tham gia thị trường tích cực. Chẳng hạn như ở Mỹ có công ty Robinhood là một ví dụ.
>>>Thị phần môi giới của các CTCK năm 2023: Cuộc hoán đổi thứ hạng
- Theo ông, từ việc CTCK công nghệ DNSE IPO online mới đây, chúng ta nhìn thấy cơ hội gì từ việc số hoá các hoạt động trong doanh nghiệp, và điều này sẽ làm thay đổi TTCK Việt Nam như thế nào?
Ở góc độ cân bằng, số hóa sẽ mang đến hai góc nhìn, về mặt tích cực thì đã khá lâu rồi thị trường mới có một hình thái mới, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư qua đợt IPO online này. Hình thái này đang khá phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân trong thời điểm hiện tại.
Có thể thấy gần đây, mọi người sử dụng rất nhiều các kênh mạng xã hội, Tik Tok, mua sắm, tiêu dùng online và ngại di chuyển, muốn hướng đến sự tiện lợi về mọi mặt. Nhưng ở góc nhìn ngược lại, đầu tư cổ phiếu vẫn là một sản phẩm hàm chứa rủi ro, hay nói cách khác nhà đầu tư cần phải có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định mua bán bất kỳ sản phẩm nào có hàm chứa rủi ro.
Đây là lý do gốc gác mà tại sao các quy định lại rất nghiêm ngặt dành cho loại hình huy động vốn, kể cả là vốn vay như trái phiếu hay vốn góp chủ sở hữu. Nhà đầu tư có thể thấy giao dịch này quá dễ dàng, chưa đầy đủ các luận điểm để cân nhắc mà đã ra quyết định mua, hoặc góp vốn thì sẽ tiềm ẩn rủi ro về tư vấn đầu tư.
Phải nhìn nhận rằng phân phối hàng hóa online đang là yếu tố tự nhiên của thị trường, thói quen tiêu dùng của người dân đều đã thay đổi sau thời kỳ Covid-19, nên sau này, việc phân phối cổ phiếu - một loại hàng hóa đặc biệt dưới hình thức online có lẽ cũng sẽ thuận tự nhiên như vậy.
Tuy nhiên về cơ sở pháp lý, để TTCK thực sự lành mạnh, ổn định, chúng ta cần kiểm soát tiêu chuẩn tối thiểu, cần nhiều thực tiễn hơn nữa, làm sao giúp nhà đầu tư hiểu biết rõ các rủi ro tiềm tàng khi quyết định nắm giữ, góp vốn vào một doanh nghiệp và quan trọng là cần có thời gian để thị trường trưởng thành.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thị trường vốn Trung Quốc bị bán tháo, chứng khoán Nhật Bản lên ngôi
05:00, 13/01/2024
Thông tư 06/2023 đe dọa quyền lợi của các công ty chứng khoán
03:20, 05/01/2024
Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp
12:00, 31/12/2023
Chứng khoán Việt Nam 2024: Dự báo VN-Index hướng đến trên 1.300 điểm
11:46, 01/01/2024