Không chỉ gây khó với dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản, những bất cập của Thông tư 06/2023/TT-NHNN còn được cho sẽ đe dọa quyền lợi của các công ty chứng khoán...
>> Chứng khoán năm 2024: Lạc quan trong thận trọng
Theo đó, dù được kỳ vọng là một trong những văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường tín dụng, thế nhưng, từ khi ban hành, Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã để lại không ít tồn tại, bất cập.
Ngoài việc để lại hàng loạt các khó khăn trong vấn đề tín dụng cho ngành bất động sản, văn bản này còn cho thấy các nguy cơ đe dọa đến quyền lợi của các công ty chứng khoán.
Cụ thể, khoản 7 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn “để gửi tiền”. Theo các chuyên gia, quy định này có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty chứng khoán vì sự thiếu rõ ràng.
Thực tế cho thấy, nếu áp dụng theo quy định đã nêu, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn bởi định nghĩa được đưa vào đã bao gồm chứng chỉ tiền gửi (CD) hay chưa? Nếu bao gồm cả CD sẽ ảnh hưởng đến sự chủ động của công ty chứng khoán trong việc thu xếp nguồn vốn với chi phí hợp lý.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, dù chiếm phần nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận, song không thể phủ nhận vai trò của các CD với công ty chứng khoán, CD có vai trò tối thiểu hóa các chi phí vốn của công ty chứng khoán.
>>Chứng khoán Việt Nam 2024: Dự báo VN-Index hướng đến trên 1.300 điểm
Theo ông Minh, trong trường hợp thị trường không thuận lợi cho việc tự doanh chứng khoán, vay cho ký quỹ (margin), thay vì chịu mức lãi suất vay ngân hàng, công ty chứng khoán sẽ dùng số tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các kênh an toàn như CD, trái phiếu Chính phủ… Mức lãi suất “ăn” chênh lệch dĩ nhiên không đóng góp đáng kể cho tổng lợi nhuận, song, công ty chứng khoán sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vốn rất lớn nếu tính mức lãi chênh lệch trên tổng số tiền gửi CD, mua Trái phiếu Chính phủ là hàng ngàn tỷ đồng.
Cũng theo Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam, CD đóng vai trò quan trọng với nghiệp vụ cho vay có đảm bảo của công ty chứng khoán. Thông thường, các công ty chứng khoán vay tiền từ các ngân hàng để mua CD rồi đến lúc cần vốn để cho vay margin khi điều kiện thị trường thuận lợi thì các công ty chứng khoán lại thế chấp chính CD hay trái phiếu chính phủ để vay tiền từ các ngân hàng phục vụ nhu cầu của các khách hàng.
Nguồn vốn vay margin đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam sau cú lao dốc nửa cuối năm 2022. Khảo sát tại 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết, tính đến cuối quý II/2023, dư nợ cho vay margin toàn thị trường ở mức 143.500 tỷ đồng (tăng 20,5% so với cuối quý I/2023 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, nếu khoản 7 Điều 8 Thông tư 06/2023 được áp dụng theo cách hiểu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay thì tới đây, các công ty chứng khoán sẽ khó có thể chủ động trong việc tối ưu hóa nguồn vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ buộc các công ty chứng khoán phải tính toán rất kỹ trong việc vay vốn ngân hàng nhằm tối thiểu hóa chi phí vốn mà vẫn phục vụ được nhu cầu cho vay margin của khách hàng đầu tư chứng khoán.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền về, Thông tư 06/2023/TT-NHNN lại hạn chế các công ty chứng khoán tiếp cận vốn vay nữa thì sẽ càng làm thị trường chứng khoán khó khăn hơn, bởi nó sẽ ảnh hưởng cực lớn đến nguồn margin trên toàn thị trường.
Cho nên, đây chính điểm nghẽn cần được tháo gỡ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, của các doanh nghiệp lớn, xa hơn là sự hoạt động hiệu quả của các công ty chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Được biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực, quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và Thông tư số 10/2023/TT-NHNN… nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán năm 2024: Lạc quan trong thận trọng
02:58, 03/01/2024
Chứng khoán Việt Nam 2024: Dự báo VN-Index hướng đến trên 1.300 điểm
11:46, 01/01/2024
Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp
12:00, 31/12/2023
Kinh tế tăng trưởng 5%, chứng khoán chờ năm bản lề hưởng lợi
05:35, 30/12/2023
Những sự kiện, dấu ấn chứng khoán nổi bật năm 2023
05:30, 30/12/2023