Chính thức gia hạn Thông tư 02, tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn

L.MỸ 19/06/2024 12:11

NHNN cho biết sẽ theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN...

>>>Tháo nghẽn vốn, duy trì tăng trưởng tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 19/6, NHNN cho biết ngày 18/6, đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, Thông tư 02 chính thức được thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

NHNN cũng cho biết thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tương Chính phủ về điều hành tiền tệ, tín dụng, từ đầu đến nay NHNN, đã kịp thời ban hành 08 văn bản (gồm 01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 01 Thông báo, 05 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng. Cùng với đó, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách, đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng; trong đó đặc biệt nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn, tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 03 năm trước. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

>>>NHNN: Không thay đổi điều hành tỷ giá, cần thận trọng với tin đồn

Từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan. NHNN tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 06 tháng cuối năm 2024 cụ thể như sau:

Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

NHNN

NHNN cho biết dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan

Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các TCTD năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ 01/7/2024; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD: Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…); rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế: lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng,…; Triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển NOXH; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện và đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như sửa đổi chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn; báo cáo cấp có thẩm quyền về chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo nhiều hình thức. Tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo NHNN tại các địa phương về công tác tín dụng và theo chuyên đề nhằm kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác tín dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 06 vùng kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • UOB: NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chủ chốt trong 6 tháng cuối 2024

    UOB: NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chủ chốt trong 6 tháng cuối 2024

    04:03, 11/06/2024

  • Dự kiến NHNN sẽ tăng lãi suất chính sách trong tháng 6

    Dự kiến NHNN sẽ tăng lãi suất chính sách trong tháng 6

    04:00, 08/06/2024

  • NHNN: Sẽ tiếp tục can thiệp giảm giá dần, thu hẹp chênh vàng

    NHNN: Sẽ tiếp tục can thiệp giảm giá dần, thu hẹp chênh vàng

    17:20, 04/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính thức gia hạn Thông tư 02, tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO