Sửa bất cập về phong tỏa vốn vay tại Thông tư 06/2023 là cần thiết

YẾN NHUNG 14/03/2024 05:00

Trước những tồn tại, hạn chế của quy định phong tỏa vốn vay tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nhiều ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi trong bối cảnh hiện nay là cần thiết…

>> Thông tư 06/2023 đe dọa quyền lợi của các công ty chứng khoán

Theo đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) ban hành từ năm 2016 về hoạt động cho vay đã có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023. Và một trong những điểm mới nổi bật của Thông tư này là các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.

Việc ban hành Thông tư 06 đem đến nhiều kỳ vọng nhưng một số quy định tại văn bản này đã để lại không ít tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Việc ban hành Thông tư 06 đem đến nhiều kỳ vọng nhưng một số quy định tại văn bản này đã để lại không ít tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Chính sách này ra đời đem đến nhiều kỳ vọng về việc sẽ tạo điều kiện giúp khách hàng có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng, lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt trong bối cảnh hoạt động cho vay có dấu hiệu chững lại. Đồng thời gia tăng áp lực lên các tổ chức tín dụng trong việc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất để vừa duy trì tập khách hàng hiện hữu, thu hút thêm khách hàng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, khi ra đời, chính sách này cũng còn đó những bất cập, tồn tại. Đặc biệt là quy định, tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm” (điểm c khoản 6 Điều 1) bị cho là vô lý, thiếu thực tế.

Mặc dù ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư 39 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06). Thế nhưng, những bất cập, tồn tại trước đó vẫn chưa được giải quyết dẫn đến những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

>> Chứng khoán năm 2024: Lạc quan trong thận trọng

Việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định về phong tỏa vốn vay tại Dự thảo Thông tư (sửa đổi) đang lấy ý kiến mới đây được cho là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định về phong tỏa vốn vay tại Dự thảo Thông tư (sửa đổi) đang lấy ý kiến mới đây được cho là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong Dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bãi bỏ một số quy định, trong đó có quy định phong tỏa vốn vay tại Thông tư 06.

Cụ thể, Dự thảo bãi bỏ đoạn “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm” tại điểm c khoản 6 Điều 1.

Đồng thời, bãi bỏ khoản 8: “Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật và quy trình nội bộ quy định tại điểm c khoản 2 điều 22 Thông tư này”.

Bãi bỏ điểm b khoản 9: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.

Các đề xuất đã nêu của Ngân hàng Nhà nước tại Dự thảo Thông tư (sửa đổi) được cho là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thực tế xoay quanh những tồn tại, hạn chế của Thông tư 06, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, với ngành ngân hàng, các quy định tại Thông tư này là cần thiết, song về mặt thực tiễn nên có những điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, một số quy định tại Thông tư 06 đã được kiến nghị xem xét sửa đổi thời gian qua nên cần phải thực hiện nhanh từ đầu năm. Đặc biệt, quy định tại điểm c khoản 6 Điều 1 về phong tỏa vốn vay không phù hợp với các quy định khác.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt thì ngân hàng chỉ có quyền phong tỏa tài khoản trong các trường hợp như khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; khi ngân hàng thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung. Ngoài ra, ngân hàng chỉ được phong tỏa tài khoản trong trường hợp đã có thỏa thuận với chủ tài khoản...

“Nếu hiểu theo cách doanh nghiệp vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì làm sao bên nhận góp vốn có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để ngân hàng cho vay và để ngân hàng giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Quy định này là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực, tăng chi phí của doanh nghiệp, thậm chí là đánh đố doanh nghiệp”, Giám đốc Công ty luật ANVI nhìn nhận.

Không chỉ các doanh nghiệp, chuyên gia ý kiến về nội dung này mà Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cũng chỉ rõ, quy định yêu cầu tổ chức tín dụng phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn vay tại tổ chức tín dụng cho vay tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06 là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan...

Tinh thần của Chính phủ xuyên suốt hơn 1 năm qua là vào cuộc quyết liệt, thực chất để gỡ khó cho doanh nghiệp. Việc rà soát và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn như Dự thảo Thông tư (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước đề xuất được cho không chỉ đảm bảo cách hiểu thống nhất trong triển khai thực hiện, phù hợp quy định pháp luật, mà còn phù hợp quy định của luật Các Tổ chức tín dụng 2024 và yêu cầu thực tiễn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần sớm sửa Thông tư 06 để hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều hơn

    Cần sớm sửa Thông tư 06 để hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều hơn

    04:00, 05/01/2024

  • Thông tư 06/2023 đe dọa quyền lợi của các công ty chứng khoán

    Thông tư 06/2023 đe dọa quyền lợi của các công ty chứng khoán

    03:20, 05/01/2024

  • Thị trường bất động sản tiếp tục

    Thị trường bất động sản tiếp tục "vướng" khi áp dụng Thông tư 06/2023

    03:00, 22/11/2023

  • Thông tư 06 mới sửa đổi vẫn làm khó doanh nghiệp

    Thông tư 06 mới sửa đổi vẫn làm khó doanh nghiệp

    00:20, 17/11/2023

  • HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023

    HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023

    03:00, 25/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa bất cập về phong tỏa vốn vay tại Thông tư 06/2023 là cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO