Cần có chính sách ưu đãi cho... sản xuất xanh
Trước những khó khăn, vướng mắc, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi bắt đầu cuộc hành trình xanh hoá sản xuất, các chuyên gia khuyến nghị, cần có chính sách ưu đãi...
>> Doanh nghiệp cần đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi sản xuất xanh
Theo đó, tiêu dùng xanh không còn xa lạ mà đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, xu hướng tiêu dùng này đã và đang hình thành nên luật chơi mới về sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Đây là yêu cầu bắt buộc và là cơ hội cho các doanh nghiệp đón đầu xu hướng, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể cho kết quả kinh doanh.
Thực tế cho thấy, những thị trường truyền thống của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Chẳng hạn, EU đang bắt đầu một chiến dịch mới cho hàng dệt may, bằng cách đưa ra các biện pháp tăng tính tuần hoàn, giảm chất thải từ dệt may.
Trước thực tế đã nêu, thông qua nhiều cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn, những năm qua, tỷ lệ sản phẩm bền vững trong tổng khối lượng sản phẩm xuất khẩu chính tại Việt Nam đang tăng dần. Xu hướng hiện nay là tăng cường các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3Rs) các sản phẩm như: túi nhựa, giấy, dầu, sắt và thép, đặc biệt là chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng trong xử lý chất thải, ước tính 90% chất thải giấy và dầu thải sẽ được tái chế, 75% chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.
Mặc dù xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, tuy nhiên, cũng mang đến thách thức không nhỏ.
>> Startup dùng nấm vi sinh vật chống biến đổi khí hậu
Theo ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH), thời gian qua, tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp để hướng tới chuỗi giá trị sản phẩm xanh hoàn thiện, như: Sử dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, sử dụng tối đa ánh sáng ban ngày để tiết kiệm điện, ngừng sử dụng các loại nguyên liệu có phát thải khí nhà kính, hạn chế túi nhựa dùng một lần; tích cực làm việc với các tổ chức, đơn vị sản xuất bao bì bảo đảm tiêu chí xanh để chuyển sang túi có thể phân hủy được...
Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất xanh, tạo sản phẩm xanh khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí so với thông thường.
Không chỉ ngành sữa, chia sẻ về vấn đề đã nêu, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho rằng, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Đây cũng là lực cản đáng kể cho doanh nghiệp dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa.
“Khó khăn hiện nay để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa đó là nhận thức, tài chính và nguồn lực về con người. Trong đó, vấn đề về tài chính, nhu cầu vốn để xanh hóa rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực đủ mạnh về tài chính để thực hiện”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Từ các thực tế đã nêu cho thấy, xanh hóa sản xuất mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, để có thể áp dụng việc xanh hóa vào thực tế vào sản xuất lại là bài toán không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp.
Do vậy theo các chuyên gia, để chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh được lan rộng, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh của mình. Đặc biệt, cần phải có quy định riêng cho từng ngành bởi tính chất mỗi ngành là khác nhau.
Đồng thời, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Chính phủ có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hóa.
“Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt, bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.
Không chỉ ngành dệt may, xung quanh vấn đề này, một số ý kiến cũng đề xuất, Chính phủ cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có mức phát thải cao, đồng thời, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có mức phát thải thấp.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero.
00:03, 16/11/2023
Doanh nghiệp cần đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi sản xuất xanh
01:15, 29/10/2023
Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”
11:08, 17/03/2023
Tiêu dùng và sản xuất xanh cần chuyển biến cùng “nhịp”
14:00, 13/09/2022
Phát triển rừng và chế biến gỗ bền vững thông qua "sản xuất xanh"
16:08, 12/08/2022