Làm gì để khởi nghiệp Hải Phòng “cất cánh”?

THU DUYÊN 16/01/2024 07:39

Cùng nhìn sâu vào thực trạng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Hải Phòng để thấy rõ những việc thành phố này phải làm trong thời gian tới.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với Ths – Kỹ sư xây dựng Đào Huy Lộc Giám đốc công ty cổ phần giải pháp Nhà Việt PMC – Doanh nghiệp KHCN Hải Phòng 2023 Chủ tịch CLB đầu tư và khởi nghiệp Hải Phòng xoay quanh hoạt động này.

>>Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng

- Anh đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng?

Việt Nam hiện tại đang có xu hướng phát triển về Hệ sinh thái khởi nghiệp khá tốt (Xếp hạng 54/100 năm 2022 so với 59/100 năm 2020-2021 hệ sinh thái khởi nghiệp được xếp hạng trên thế giới), đối với thị trường trong nước có thể nói là cơ hội còn nhiều khoảng “hở” để các Startup trẻ phát triển và chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt tổng quan chúng ta thấy có sự phát triển đồng đều từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) là 208 quỹ, trong đó gần 40 quỹ nội địa, số lượng vườn ươm là 84 trong đó vườn ươm tư nhân là 41, số lượng bằng sáng chế được cấp cũng tăng đều đặn, số Startup đang hoạt động khoảng gần 4000…

Rõ ràng, với đà tăng trưởng đầy năng động này, chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự đột phá trong vài năm tới, nhất là hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang vào cuộc mạnh mẽ quá trình Chuyển đổi số để hướng đến Chính Phủ số năm 2030 và gần hơn là mục tiêu nền kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng GDP cả nước (hiện là 12.3%).

Về thách thức, theo tôi cơ hội luôn song hành với thách thức, bởi với kỷ nguyên số hiện tại, rào cản về ranh giới rất mong manh, các Startup Việt hay những mô hình đổi mới sáng tạo mà tôi gọi vui là “Lai” giữa Startup và Khởi nghiệp bị cạnh tranh ngày càng gay gắt với các thương hiệu đến từ nước ngoài, đặc biệt là gần đây, sức ép thị trường từ Trung Quốc cả về các nền tảng thương mại điện tử cho đến các ngành phụ trợ, hàng hóa đã tiến sát biên giới và ngày càng thuận tiện để cắt giảm các khâu trung gian – vốn là kênh khai thác phổ thông của nhiều tiểu thương Việt trong một khoảng thời gian hàng chục năm qua.

Tại Việt Nam, các thành phố được xếp hạng vẫn chỉ có Hà Nội và Hồ Chí Minh, điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên lại cho thấy một thực trạng là các thành phố trực thuộc Trung Ương khác đang không có “đất diễn” cho các Startup phát triển, theo quan sát thực tế của tôi, hầu hết là các mô hình tư nhân đang tự “loay hoay” tìm hướng đi và nhận được rất ít sự hỗ trợ thiết thực – ngoại trừ một số các cuộc thi mang tính phong trào và động viên tinh thần là chính, như vậy để phát triển, các starup buộc phải “di cư” về 2 thành phố lớn và cũng chỉ phù hợp với các Startup công nghệ, còn theo tôi, để phát triển nội lực và sức cạnh tranh lâu dài, cần thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại chính các địa phương như phát triển Dịch vụ, thượng hiệu địa phương để nâng tầm sản phẩm hàng hóa Việt, hướng đến các mô hình phát triển toàn cầu…

Tại Hải Phòng, trong vài năm trở lại đây đã có sự đổi mới trong phong trào khởi nghiệp và khâu tổ chức rất nhiều, điển hình là chương trình Techfest tổ chức chuyên nghiệp hơn, tạo sự lan tỏa và dần có hình thái hiện đại tiệm cận với Hà Nội,HCM, có sự vào cuộc của Hội Doanh nhân Trẻ Hải Phòng để có những giải thưởng mang tính khích lệ lớn hơn nhiều, mặt khác, sự ra đời của CLB đầu tư và Khởi nghiệp Hải Phòng cũng giúp các startup có thêm môi trường hỗ trợ phát triển sau khi đến với các cuộc thi…

Anh Đào Huy Lộc chia sẻ về khởi nghiệp

Anh Đào Huy Lộc chia sẻ về hệ khởi nghiệp Hải Phòng

- Anh có thể chia sẻ những hoạt động nổi bật của Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp Hải Phòng từ khi thành lập đến nay? Nhìn nhận một cách thực chất, anh đánh giá thế nào về những điểm mạnh, điểm yếu của câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp Hải Phòng?

CLB Đầu tư và khởi nghiệp Hải Phòng theo tôi ra đời khá chậm, trong khi một số tổ chức cá nhân đã thai nghén hoạt động từ năm 2017 như Vstartup, Push co-working… nhưng phải đến tháng 09-2022 mới chính thức thành lập dưới sự hỗ trợ của Hội doanh nhân Trẻ và sự bảo trợ của Hội LHTN Thành phố Hải Phòng, so với Bắc Ninh là 6 năm và Quảng Ninh là 5 năm, chúng ta đã đi chậm hơn một chặng đường khá dài.

Tuy nhiên, với sức trẻ và sự nhiệt huyết, CLB đang có những hoạt động khá nhanh để học hỏi và rút ngắn khoảng cách, đặc biệt là một số hoạt động tiêu biểu.

Năm 2022 tổ chức 3 sự kiện sinh hoạt CLB với nội dung khá toàn diện từ đào tạo, café khởi nghiệp, câu chuyện khởi nghiệp trong tháng 09,10,11 năm 2022, thu hút sự tham gia của khoảng hơn 300 cá nhân, doanh nghiệp, tạo những gắn kết đầu tiên khá tốt, phát triển Hội viên lên gần 70 Hội viên.

Tháng 01/2023 tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại chú trọng đến các sản phẩm địa phương, thu hút gần 80 gian hàng mới nhiều hoạt động như: Gian hàng phục vụ Tết, hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân Thành phố, thu hút khoảng 6000 lượt người tham quan mua sắm.

Trong năm 2023, CLB tổ chức 14 hoạt động như: Thăm và hỗ trợ doanh nghiệp Hội viên, đào tạo kiến thức khởi nghiệp, chia sẻ tại các trường Đại học, tổ chức sự kiện dành riêng cho GenZ thu hút hơn 1000 bạn trẻ tham gia hoạt động, đặc biệt ngày 13.01.2024 vừa qua, CLB đã tổ chức tổng kết hoạt động và đề ra phương hướng rõ ràng hơn cho 3 năm tiếp theo, đặt mục tiêu thu hút và kết nạp 500 Hội viên cùng hỗ trợ nhau phát triển và góp phần làm lớn mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố với các thành tố như: Nhà khởi nghiệp, chuyên gia, co-working, nhà đầu tư…

Về điểm mạnh của CLB là thu hút được một lực lượng năng động, nhiệt huyết và mong muốn cống hiến sức trẻ, vừa giúp phát triển bản thân và giúp phát triển cộng đồng những cá nhân, doanh nghiệp chú trọng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Về điểm yếu, hiện tại mới chỉ có nguồn quỹ hỗ trợ từ Hội doanh nhân Trẻ, CLB tự chủ thu – chi và chưa có nhiều điều kiện tổ chức và hỗ trợ Hội viên, chủ yếu từ nguồn đóng góp của chính những thành viên trong ban chấp hành, điều này là hạn chế buộc ban điều hành CLB vừa phải tìm ra hướng đi, vừa phải huy động những nguồn xã hội hóa trong quá trình hoạt động, vì lý do đó khó có thể tập trung vào các hoạt động chuyên môn nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của những Starup trong CLB.

Sau hơn 1 năm hoạt động, bước đầu CLB đã được sự ghi nhận và hỗ trợ từ các Sở ban ngành liên quan như: Sở Khoa học công nghệ, sở Kế hoạch đầu tư, đài PTTP Hải Phòng, Cung Văn hóa Thanh Niên, giúp CLB giảm gánh nặng tài chính trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Hội nghị tổng kết hoạt động của CLB một năm hoạt động

Hội nghị tổng kết hoạt động của CLB một năm hoạt động

Một số dự án khởi nghiệp tiêu biểu tại Hải Phòng cho đến thời điểm này? CLB Đầu tư Khởi nghiệp Hải Phòng đã làm gì để “chắp cánh” cho các dự án này phát triển?

CLB Đầu tư và khởi nghiệp là nơi tập đối tượng và các doanh nghiệp tham gia cuộc thi Doanh nhân Trẻ khởi nghiệp xuất sắc do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam phát động, các dự án thi các cuộc thi ươm mầm khởi nghiệp của Thành đoàn, Sở KHCN tổ chức và chính những hội viên trong CLB.

Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Ứng dụng T-market của Hoàng Như Võ, FarmGo của Vũ Đức Tuấn, Bạn uống tôi lái của Dương Hồng Sơn, Robot bán hàng của Hồ Minh Phương, Ibot của Phạm Minh Sáng.

CLB trước tiên đã quy tụ các dự án để cùng nhau học hỏi và phát triển, một số dự án được giới thiệu tham gia cuộc thi ươm mầm khởi nghiệp, duy trì các fouder sinh hoạt trong CLB, quảng bá thương hiệu và kết nối kinh doanh…

Mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực hỗ trợ, nhưng với những hoạt động của CLB cũng tạo môi trường để các dự án có khả năng phát triển trong thời gian tới hơn.

- Để khởi nghiệp Hải Phòng phát triển, theo anh, những điều quan trọng cần phải làm gì?

Là người sáng lập CLB và cũng đang có những thành viên đầy nhiệt huyết cống hiến, theo tôi đây là thời điểm “vàng” để các Sở ban ngành vào cuộc giúp đỡ CLB phát triển, từ đó tạo động lực đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng, một số kiến nghị rất thiết thực và khả thi trong thời gian tới như:

Hỗ trợ địa điểm hoạt động ổn định, đặc biệt là văn phòng làm việc và tư vấn khởi nghiệp để các bạn trẻ, các fouder dự án có thể tới tìm sự hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án, địa điểm này có thể được sự hỗ trợ của Hội LHTN Thành phố kết hợp với nguồn xã hội hóa như tại Cung Thanh Niên chẳng hạn.

Thành phố có thể dành nguồn quỹ hỗ trợ các hoạt động đào tạo đặc thù liên quan đến Đổi mới sáng tạo và giao cho CLB tổ chức kết hợp huy động nguồn xã hội hóa nhằm tổ chức các khóa học chất lượng, trang bị những kiến thức về lập dự án, kêu gọi quỹ đầu tư phát triển dự án.

Thành lập các điểm Co-working ngay tại một số tòa nhà công vụ có thể cải tạo để thiết lập các vườn ươm để hỗ trợ địa điểm làm việc và phát triển dự án đối với các dự án khả thi có thể mở rộng mô hình hoạt động.

Đài PTTH Hải Phòng kết hợp với các cơ quan báo chí truyền thông lập các game show thực tế cho các bạn học sinh, sinh viên thực hành các kỹ năng lập dự án khởi nghiệp

Thành phố tạo những hành lang pháp lỹ hỗ trợ CLB hoạt động và thành lập các CLB tại các trường cấp 3, đại học, tạo nguồn dự án lâu dài hơn, từ đó tạo động lực để Hải Phòng vươn lên có tên trên bản đồ các thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và trên toàn cầu.

- Xin cảm ơn anh!

Có thể bạn quan tâm

  • “Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng” năm 2021: Nhiều ý tưởng táo bạo!

    “Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng” năm 2021: Nhiều ý tưởng táo bạo!

    18:20, 07/09/2021

  • Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng

    Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng

    18:44, 19/08/2021

  • Phát động cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng” 2021

    Phát động cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng” 2021

    21:52, 14/06/2021

  • Chung kết Ươm mầm Khởi nghiệp Hải Phòng 2019: Nông nghiệp sinh vật cảnh VAC giành giải quán quân

    Chung kết Ươm mầm Khởi nghiệp Hải Phòng 2019: Nông nghiệp sinh vật cảnh VAC giành giải quán quân

    18:28, 25/09/2019

THU DUYÊN