Boeing bất ổn từ thượng tầng
Boeing đang trải qua khủng hoảng sau sự cố cửa sổ và mảnh thân trên máy bay 737 Max 9 nổ ngay giữa không trung ngày 5/1 tại Mỹ. HĐQT của hãng hàng không này cần phải đối mặt với sự giám sát gắt gao.
>>Chuyện gì đang xảy ra với Boeing?
Bà Nell Minow, phó chủ tịch ValueEdge Advisor, một người có tiếng nói trong mảng quản trị doanh nghiệp nhận định rằng HĐQT Boeing là “kẻ giết người hàng loạt” và “không rút ra bài học từ sai lầm trong quá khứ”. Cụ thể, vào năm 2021, HĐQT Boeing đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ trị giá 246 triệu USD để giải quyết một vụ kiện của cổ đông. Trong vụ kiện, các cổ đông cáo buộc HĐQT không thực hiện nghĩa vụ giám sát an toàn, cũng như đưa ra những phản hồi gian dối về hai vụ tai nạn của 737 Max 8. Thế mà chỉ vài năm sau, tức đầu năm 2024, Boeing lại tiếp tục đối diện với những nghi ngại khi 737 Max 9 gặp sự cố.
Trao đổi với Fortune, bà Minow phát biểu: “Đó là một HĐQT tồi tệ, và họ đã tồi tệ trong thời gian rất lâu”.
Minow cho rằng vấn đề ở đây là HĐQT không cảm nhận đủ áp lực để thay đổi. Vị thế của Boeing hiện giờ có thể xem là nửa độc quyền, vì họ chỉ có một đối thủ lớn duy nhất là Airbus. Boeing nắm giữ hàng loạt hợp đồng hàng không với cả chính phủ lẫn doanh nghiệp, đủ để họ duy trì kinh doanh. Với sự thống trị ấy, HĐQT Boeing đặt tài chính lên hàng đầu, chứ không phải vấn đề kỹ thuật.
Một số người khác chỉ trích Boeing đã không cải tổ mạnh tay HĐQT sau hai vụ tai nạn chết người của Max 8. Bốn năm trước, CEO tiền nhiệm Dennis Muilenburg là người bị cáo buộc dẫn dắt văn hóa làm việc độc hại, nơi thời hạn sản xuất và lợi nhuận được đặt lên trên sự an toàn, ví dụ điển hình là việc Boeing gấp rút chế tạo 737 Max 8. Thế nhưng sau khi sa thải Muilenburg, thì lên thay thế lại là Calhoun, người từng giám sát nhiệm kỳ của Muilenburg và là đồng minh thân cận của ông này.
Không chỉ vậy, chủ tịch hiện tại của Boeing là Larry Kellner, người đã giữ chức giám đốc từ năm 2011 và trước đó là lãnh đạo ủy ban kiểm toán.
Năm 2019, khi chức CEO của Boeing đổi chủ, Jon Ostrower, tổng biên tập The Air Current kiêm cựu phóng viên hàng không vũ trụ của Wall Street Journal, đã từng lên tiếng ngờ vực “Liệu động thái này có thể khắc phục những gì cần sửa chữa không?” Bởi vì ông nhận định rằng cả Calhoun và Kellner đều “liên tục ủng hộ chiến lược dài hạn của Boeing”.
Ông không phải là người duy nhất đưa ra nghi ngờ này. Năm 2020, cố vấn ủy quyền Glass Lewis đã kêu gọi các nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại Kellner trong cuộc họp cổ đông, với lý do Kellner là người giữ vị trí chủ tịch ủy ban kiểm toán trong các vụ tai nạn của 373 Max 8. Hoặc Ralph Nader, người có cháu gái qua đời trong một vụ tai nạn 737 Max 8, đã kêu gọi toàn bộ HĐQT từ chức.
Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra. Bởi trong quá trình thay đổi hội đồng, các công ty thường giữ lại những nhân vật chủ chốt để bảo đảm tính liên tục, bên cạnh việc giới thiệu những người mới với góc nhìn mới.
Sau khi xem xét những thay đổi gần đây trong HĐQT Boeing, bà Jo-Ellen Pozner, phó giáo sư tại Đại học Santa Clara, cho biết bà đề cao việc Boeing đưa các chuyên gia hàng không và quản trị rủi ro vào hội đồng, đồng thời thay thế các giám đốc bằng các chuyên gia về tài chính, chính phủ và thương mại.
Tuy nhiên bà Pozner cảnh báo rằng văn hóa tổ chức là một thứ có độ ì nhất định. Cần có thời gian để sự mới mẻ của HĐQT tạo nên được sự mới mẻ trong hoạt động công ty. Những gì diễn ra trong vài tuần tiếp theo sẽ là dấu hiệu cho thấy liệu HĐQT của Boeing có thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho nghịch cảnh và đưa ra các giải pháp phù hợp hay không.
Có thể bạn quan tâm