Hút nguồn lực kiều hối
Kiều hối tăng mạnh trở thành một trong những nguồn lực vốn quan trọng đối với nền kinh tế và hỗ trợ cho điều hành tiền tệ, giữ tỷ giá.
>>>Kiều hối đổ về TP. HCM tăng mạnh, dự báo 2024 có thể tăng thêm 20%
Năm 2023, kiều hối về TP HCM đạt gấp 3 lần vốn FDI (9 tỷ USD, tăng 25% so với 2022 so với 3,4 tỷ USD). Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ở mức 14 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước thì ước tính, lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 sẽ tăng từ 25-30% so với năm 2022. Như vậy, kiều hối ở TP HCM đã tăng rất mạnh và vượt qua tỷ lệ thông thường chiếm 50% tổng lượng kiều hối của cả nước.
Các ngân hàng cũng cho biết lượng kiều hối tăng mạnh đặc biệt vào cuối năm. Bà Dương Minh Hiền, Phó Giám đốc Phòng Thanh toán quốc tế Shinhan Bank Việt Nam cho biết, những năm gần đây lượng kiều hối do người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về Việt Nam tăng lên đáng kể và mục đích cũng đa dạng hơn như gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hoặc chuyển nguồn thu nhập hợp pháp về đầu tư trong nước. Theo thống kê lượng kiều hối từ Hàn Quốc về Việt Nam tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam năm 2023 đạt 82 triệu đô la Mỹ (tăng 14% so với năm 2022), cho thấy lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đóng góp đáng kể cho nguồn kiều hối trong nước.
“Cùng với các chính sách tài chính, tiền tệ trong nước được Chính phủ điều hành linh hoạt để thúc đẩy phát triển kinh tế thì kiều hối là một nguồn lực quan trọng mà Việt Nam đón nhận mỗi năm, đặc biệt, cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI, lượng tiền kiều hối gửi về đã góp phần quan trọng giúp chúng ta tăng nguồn ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, Việt Nam có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia”, bà Hiền nhận định.
Bà Hiền cũng cho rằng, để tăng lượng kiều hối trong tương lai, Việt Nam cần từng bước định hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, quán triệt tính kỷ luật cao cho người lao động làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh những việc đã và đang làm như ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ cần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để thấy được hiệu quả từ việc chuyển nguồn ngoại tệ về nước góp phần mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần có những chính sách như hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động, ưu đãi về biểu phí, tỷ giá, lãi suất tiết kiệm, ứng dụng công nghệ để đảm bảo giao dịch nhanh chóng, an toàn, bảo mật để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, góp phần hạn chế dòng tiền kiều hối qua các kênh không chính thống và khó kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm