Việt Nam cần phát triển tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn
Đó là chia sẻ của TS. Trần Mỹ An - Phó Chủ tịch Kỹ thuật, mảng Bản quyền công nghệ Tập đoàn Qualcomm trong buổi gặp thân mật với cộng đồng công nghệ trẻ tại TP.HCM mới đây.
>>>Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Khích lệ các startup phát triển các ý tưởng đổi mới
Tại buổi chia sẻ trong khuôn khổ Podcast QVIC, TS. Trần Mỹ An đã chia sẻ 3 từ khóa để mô tả về cộng đồng các startup Việt Nam thông qua quan sát của bà năm vừa qua là “Ấn tượng – Sáng tạo – Cống hiến”.
“Tất cả các startup đã đến với chúng tôi đều mang những ý tưởng ấn tượng. Những ý tưởng đó rất sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề ở Việt Nam và thị trường toàn cầu. Điều tôi thực sự thích khi làm việc với các startup là sự tận tâm của họ với lý tưởng và ước mơ của mình, biến mọi thứ thành hiện thực. Điều đó thực sự thể hiện tinh thần kiên cường của người Việt Nam”, TS. Trần Mỹ An chia sẻ.
Khởi xướng từ 2019, mục tiêu chính của chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) là hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, các công ty vừa và nhỏ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới tại Việt Nam, nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo TS. Trần Mỹ An, QVIC không chỉ là nơi khích lệ các startup phát triển các ý tưởng đổi mới mà còn là cơ hội để họ tiếp cận với các nguồn lực và hỗ trợ quan trọng, bao gồm cả việc đăng ký bằng sáng chế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty khởi nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả đất nước.
Từ mục tiêu trên, QVIC đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các startup, với những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao sau quá trình đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ về công nghệ, bằng sáng chế, và sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như 5G, IoT, robot và máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện bằng cách sử dụng các nền tảng và công nghệ di động tiên tiến của Qualcomm Technologies.
Những con số nổi bật sau 3 mùa giải vừa qua có thể kể đến như: gần 500 startup tham dự; 87 bằng sáng chế đăng ký thành công trong đó có 29 bằng sáng chế dưới sự hỗ trợ của Qualcomm; hơn 32 triệu USD gọi vốn; 25 sản phẩm được thương mại hóa và đưa ra thị trường.
“QVIC 2024 đang tìm kiếm các ý tưởng cải tiến phần mềm (software) liên quan đến AI, không cần xây dựng phần cứng, mà chỉ cần ý tưởng về cách kết hợp AI vào nền tảng Qualcomm. Điều này là một phần của nỗ lực liên tục nhằm làm cho QVIC trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển và cải thiện chương trình, tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ tiên tiến tại Việt Nam”, TS. Trần Mỹ An chia sẻ.
Bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng
Đánh giá về triển vọng của ngành Công nghiệp bán dẫn, TS. Trần Mỹ An cho rằng, bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà chúng ta cần giải quyết, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới. Bởi theo bà, bán dẫn có mặt trong mọi thứ chúng ta chạm vào hàng ngày như máy ảnh, điện thoại, máy rửa chén…
“Chúng ta cần những tài năng và những công ty làm việc về phát triển công nghệ này và luôn tiếp tục làm điều đó. Nếu một ngày chúng ta không có bán dẫn, cả thế giới sẽ dừng lại. Và để Việt Nam trở nên nổi bật trên sân chơi toàn cầu, chúng ta cần có những tài năng để có thể thiết kế và xây dựng bán dẫn. Tôi nghĩ để Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tài năng. Đây cũng cách để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh”, TS. Trần Mỹ An nhấn mạnh về vai trò của đầu tư vào nhân tài.
Nói về xu hướng công nghệ toàn cầu, TS. Trần Mỹ An đề cập đến truyền thông không dây 5G, trí tuệ nhân tạo (AI). Một điều đặc biệt về 5G là tác động của nó đối với sự biến đổi số. Và xu hướng công nghệ toàn cầu tiếp theo là tạo ra trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo sẽ được biến đổi trong mọi ngành, không chỉ ở một lĩnh vực. Đồng thời, bà cũng cho rằng, cần tìm cách tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nhằm giúp các doanh nghiệp cho ra sản phẩm tốt hơn.
Nhấn mạnh về những cơ hội cho Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, TS. Trần Mỹ An cho rằng, Việt Nam đã được đặt trên bản đồ thế giới, mang lại nhiều cơ hội mới. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào việc đầu tư và xây dựng nhân tài. Sinh viên Việt Nam nổi tiếng với khả năng xuất sắc trong toán học và sự tận tâm, điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự thành công của Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
“Bước tiếp theo của QVIC là tiếp tục tập trung vào việc hợp tác và phát triển trong nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Qualcomm cũng cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc giúp đất nước trở nên cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực như 5G, và AI. Mục tiêu là thực hiện và sâu sắc hóa các mối quan hệ đối tác, đồng thời, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI và nhiều đối tác khác”, TS. Trần Mỹ An chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
14:36, 16/12/2023
Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
03:00, 08/12/2023
Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu
02:00, 30/10/2023
DGC sẽ phục hồi nhờ triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn?
04:00, 24/09/2023