Hoạch định chiến lược phát triển Nghệ An – Bài 2: Từ khóa “5 sẵn sàng” thu hút đầu tư
“Kim chỉ nam” hành động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An gắn liền với phương châm “5 sẵn sàng”…
Đánh giá cao về điều này đồng thời gợi mở thêm một số nội dung khác để Nghệ An thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị địa phương bổ sung thêm 2 “sẵn sàng”, đó là sẵn sàng cho sự thay đổi của chính mình và sẵn sàng cung cấp năng lượng xanh cho các hoạt động đầu tư phát triển.
“Kim chỉ nam” hành động
Với lợi thế, tiềm năng sẵn có của mình cùng khát vọng phát triển, tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, những năm qua, Nghệ An đã có bước chuyển mình đầy mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về mọi mặt. Hiện, quy mô nền kinh tế của địa phương đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%.
Trong đó, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có một vai trò rất quan trọng khi trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương; góp phần đưa tỉnh này lọt vào top 8 địa phương thu hút đầu tư FDI tốt nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2023 hơn 1,6 tỷ USD; cùng với đó là sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn về điện tử, công nghệ, năng lượng xanh hàng đầu thế giới…
>>Hoạch định chiến lược phát triển Nghệ An – Bài 1: Khát vọng bứt phá!
Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An là địa phương duy nhất cả nước quy tụ đầy đủ 5 “ông lớn” trên lĩnh vực công nghệ, gồm: Foxconn, Luxshare, Gertek, Everwin, Juteng… với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1,3 tỷ USD. Bước đầu dự kiến sẽ tạo việc làm cho hơn 86.000 lao động trong và ngoài địa phương.
Lý giải về những kết quả nổi bật nêu trên, theo ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng chia sẻ rằng: Đó là do Nghệ An đã chuẩn bị khá bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi nhất chào đón các nhà đầu tư; đồng thời nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng”: Sẵn sàn về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Mới đây, Quy hoạch tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5 - 11%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500-8.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
>>Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế năm 2024 ra sao?
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới với 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và 6 trung tâm đô thị động lực; cùng với Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ tạo những động lực mới để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn.
Để hiện thức hóa các mục tiêu trên, bên cạnh phương châm “5 sẵn sàng”, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã đề ra các giải pháp, nguồn lực để tập trung thực hiện quy hoạch, bao gồm các giải pháp về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là giải pháp về tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện Quy hoạch.
Những gợi mở cho Nghệ An
Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 diễn ra vừa qua, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm động lực mới, sức lan toả trong thu hút đầu tư phát triển không chỉ đối với tỉnh Nghệ An mà cả trong liên kết phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Theo ông Trần Hồng Hà, vấn đề quan trọng là làm thế nào để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, khoa học các quy hoạch, các quy chế và chính sách nói trên? Cho rằng, không thể nghĩ và làm theo như “lối cũ, cách thường”, Phó Thủ tướng tin tưởng cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An sẽ chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương, cùng tinh thần đổi mới vào những hành động, việc làm để trở thành một địa chỉ “đáng đến, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm và đáng sinh sống”.
>>Nghệ An tạo “khẩu vị” mới cho du lịch vùng cao
Với mong muốn đó, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng: Quy hoạch để khơi thông tiềm năng, do vậy, phải dành nguồn lực của nhà nước, địa phương và xã hội hoá để có thêm nhiều quy hoạch chi tiết về xây dựng, đô thị, khu vực nông thôn, phân vùng, vùng, phân khu nhằm cụ thể hóa quy hoạch hành; qua đó, khơi dậy được tiềm năng phát triển của Nghệ An thông qua việc hình thành các hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ, giá trị gia tăng.
Đồng thời cho rằng, Quy hoạch tỉnh Nghệ An cần được đánh giá, nhìn nhận trong mối quan hệ với các địa phương lân cận, trong nội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và với các vùng kinh tế - xã hội khác. Từ đó, lựa chọn, đề xuất những dự án ưu tiên liên kết nội vùng, liên vùng, tạo sự kết nối liên thông tổng thể, đồng bộ, thống nhất để khơi thông nguồn lực phát triển…
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội y tế, văn hóa, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, coi đây là định hướng xây dựng đô thị đồng bộ, gắn với các hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ.
Mặt khác, Phó Thủ tướng đề nghị Nghệ An cần quan tâm thúc đẩy phát triển vùng miền núi phía tây với các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, kinh tế cửa khẩu, du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hoá, kinh tế carbon thấp, tín chỉ carbon... Quá trình thực hiện các quy hoạch liên quan đến mạng lưới nông thôn, đô thị, Nghệ An cần thực hiện tốt khảo sát địa chất, thủy văn, tai biến địa chất để bảo đảm phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, an toàn.
Không chỉ vậy, tỉnh còn cần phải khai thác tối đa các lợi thế về cơ chế, chính sách đặc thù để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp (PAPI), SIPAS.
Qua đó, tăng cường niềm tin nhà đầu tư; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước để tạo được động lực, tạo được sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Đặc biệt, ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng đánh giá rất cao phương châm “5 sẵn sàng” mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An đã đặt ra và bổ sung thêm “2 sẵn sàng” khác, đó là “sẵn sàng cho sự thay đổi của chính mình” và “sẵn sàng cung cấp năng lượng xanh cho các hoạt động đầu tư phát triển”.
Phó Thủ tướng hi vọng và tin tưởng rằng, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn và cùng với Nghệ An cụ thể hoá quy hoạch, viết lên những kỳ tích về phát triển để quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Công ty TNHH Cảng Cửa Lò nhận “trát phạt” do vi phạm PCCC
11:00, 18/01/2024
Nghệ An: Doanh nghiệp “lâm bệnh”, làn sóng thất nghiệp gia tăng
08:12, 14/01/2024
Nghệ An “tuýt còi” nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát
00:30, 10/01/2024
Nghệ An: Dự án gần 150 tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý rác bị “đóng băng”?
00:06, 07/01/2024
Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công
06:09, 04/01/2024
Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời
00:20, 03/01/2024