Sẽ không còn những SCB, Vạn Thịnh Phát...
Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều ý kiến đã kỳ vọng rằng tương lai sẽ không còn những SCB hay Vạn Thịnh Phát…
>>Đề nghị kiểm tra dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Theo đó, nhiều chuyên gia đã đánh giá những sửa đổi này dự kiến sẽ mang đến những tác động tích cực cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, tình trạng chi phối, sở hữu chéo là vấn đề nổi cộm lâu nay của các tổ chức tín dụng (TCTD), và đây chính là mục tiêu giải quyết của lần sửa đổi này.
Về nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, giải pháp mà Quốc hội vừa bấm nút thông qua là siết chặt hơn so với luật cũ ở hai nội dung: Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010. Đồng thời, Luật cũng đã bổ sung quy định công bố thông tin đối với cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.
Theo luật sư Nhung, câu chuyện rút tiền hàng loạt tại SCB trong năm 2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt, dẫn tới phản ứng dây chuyền, áp lực thanh khoản cho toàn hệ thống. Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã phản ứng kịp thời, luật hóa quy định về can thiệp sớm các TCTD cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. “Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai”, nữ luật sư phân tích.
Đáng chú ý theo luật sư Nhung, trong quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, một vấn đề rất đáng quan tâm là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và quyền chuyển nhượng tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu, cụ thể, TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của bên bảo đảm, tránh được tình trạng người đi vay tiền không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo.
“Quy định này đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong 5 năm qua, giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo, từ đó đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu, tuy vậy đã không được Quốc hội kế thừa, chuyển hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng hơn về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” trong thời gian tới”, luật sư Nhung nêu quan điểm.
>>Chặn thao túng ngân hàng nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát
Cũng bình luận theo hướng tích cực, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, những sửa đổi với Luật Các tổ chức tín dụng mà Quốc hội vừa thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.
“Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế. Trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết”, luật sư Biên nhận định.
Đáng chú ý, việc quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời TCTD ấy phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này. Đồng thời, giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức từ 15% hiện tại xuống 10% vốn điều lệ của TCTD; cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5%; đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không áp dụng quy định này mà theo phê duyệt cụ thể của Chính phủ.
“Quy định này sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết sớm các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát”, vị luật sư nhận định.
Có thể bạn quan tâm