Quảng cáo, rao vặt “bẩn”: Không lẽ bó tay?
Quảng cáo, rao vặt bủa vây từ cột điện, cây xanh, trạm biến áp…cho tới cửa nhà người dân khiến đường phố nhếch nhác, bộ mặt đô thị trở nên xấu xí. Đây là một vấn đề nhức nhối suốt thời gian qua…
>>Tràn lan quảng cáo cờ bạc: Hiểm họa khôn lường
Theo đó, với các thông tin: Tuyển lao động, cho vay tiền, khoan cắt bê tông, thông cống, sửa nhà, sửa cửa cuốn,… từ ngõ nhỏ đến đường lớn, ở đâu cũng dễ bắt gặp những mẩu quảng cáo, rao vặt được dán, được phun sơn chằng chịt trên những trụ điện, cột đèn, bờ tường. Không ít cây xanh trên đường phố cũng bị đóng đinh để gắn biển rao vặt. Tình trạng này đã làm mất mỹ quan đô thị, khiến các thành phố lớn như Hà Nội trở nên nhếch nhác, xấu xí trong mắt du khách và thậm chí với cả những người dân sinh sống ở Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân cho biết, tại khu dân cư, hôm trước các bạn đoàn viên vừa gỡ bỏ những tờ giấy quảng cáo, rao vặt thì hôm sau đã có người dán lại. Có gia đình vừa sơn mới bức tường nhà thì đã bị phun sơn quảng cáo dịch vụ thông cống, khoan cắt bê tông, sửa nhà, sửa cửa cuốn… rất phản cảm. Điều đó khiến không ít người cảm thấy vơi bớt lòng tự tôn, tự hào về một thành phố văn minh, thanh lịch và có cảm giác xấu hổ với du khách.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law cho biết, hành vi dán quảng cáo lên phố phường là hành vi cấm theo quy định tại điều 8 của Luật Quảng cáo 2012. Những người có hành vi dán quảng cáo này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 điều 34 Nghị định 38 năm 2021 trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo.
Cũng theo luật sư Tạ Anh Tuấn, dẹp nạn quảng cáo rao vặt không khó, không thiếu giải pháp. Thậm chí chỉ cần lần theo số điện thoại của chủ thuê bao và có chế tài xử lý thật nặng sẽ giải quyết được vấn đề này.
"Một số thông tin quảng cáo chỉ đưa thương hiệu, tên đơn vị quảng cáo mà không đính kèm số điện thoại thì sẽ khó xử lý vì không xác định được đối tượng. Còn riêng với những quảng cáo thông dụng mà chúng ta thấy để tên đơn vị quảng cáo và số điện thoại liên hệ. Những quảng cáo như vậy rất dễ dàng để tìm ra ai chính là chủ nhân thực hiện hành động quảng cáo này", luật sư Tuấn nói.
Đáng chú ý, vị luật sư cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, với những chế tài xử phạt hành vi dán quảng cáo, rao vặt bôi bẩn phố phường như hiện này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe!
"Hiện nay mức phạt từ 1-2 triệu, người ta lấy tiền công từ 4-5 triệu thì người ta sẽ bất chấp, chấp nhận xử phạt vì người ta có lợi ích. Còn đối với người thuê quảng cáo, hiện nay số tiền phạt từ 10-20 triệu/cá nhân hoặc gấp đôi với tổ chức thì cao cũng chỉ 40 triệu thôi. Trong khi đó thông tin được quảng cáo này nó lan truyền, rõ ràng lợi hơn rất nhiều so với quảng cáo đa phương tiện. Nếu chúng ta nâng mức phạt lên thì họ sẽ nhận thấy không được lợi gì hết", vị luật sư lý giải.
>>Quảng cáo rao vặt - bao giờ mới hết?
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt rác quảng cáo, rao vặt trước hết thuộc về cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường và lực lượng công an. Tuy nhiên, TS Chức cũng cho biết, hiện nay, chưa có cơ quan, lực lượng nào được giao một nhiệm vụ một cách cụ thể về việc giải quyết vấn nạn quảng cáo rao vặt nên đôi khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi quảng cáo, rao vặt gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị theo Nghị định số 28/2017 của Chính phủ, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đề xuất còn cần có các hình thức xử phạt bổ sung.
“Phải xử phạt tiếp hành vi phá hoại của công hoặc tài sản cá nhân, phải khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguyên trạng mỹ quan của hiện trường đã bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt…Việc xử phạt nên giao cho công an bởi hiện nay tại các xã, phường đã có công an chuyên nghiệp và cũng chỉ lực lượng này mới có đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, nhu cầu quảng cáo, rao vặt cũng như sử dụng các dịch vụ như sửa chữa nhà cửa, điện nước, vệ sinh…trong gia đình của người dân là rất lớn. Người làm nghề dịch vụ có thể tận dụng công nghệ và mạng xã hội để quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Để góp phần chấm dứt nạn quảng cáo, rao vặt trên đường phố, TS Nguyễn Viết Chức khuyến cáo người dân không nên sử dụng các dịch vụ này. Bởi loại hình quảng cáo này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhất là các dịch vụ cho vay tiền. Đó có thể là những “cái bẫy” khiến người dân sa vào “tín dụng đen” với những khoản lãi suất khổng lồ, không thể trả nổi.
Suy cho cùng, không khó để ngăn chặn, xóa bỏ nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định nếu như vấn đề này được chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức và các giải pháp được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đồng thời, mỗi người trong cộng đồng có ý thức giữ gìn đường phố, không gian công cộng – nơi mình sinh sống, qua lại hàng ngày - luôn sạch đẹp.
Có thể bạn quan tâm