Hà Tĩnh: Gỡ “nút thắt” giải ngân đầu tư công

HỒNG QUANG 25/01/2024 01:04

Tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả tích cực công tác giải ngân vốn đầu tư công khi xếp hạng thứ 9/114 bộ ngành, địa phương cả nước và được xem là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm là nhiệm vụ quan trọng được Hà Tĩnh tập trung triển khai quyết liệt nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

 Thi công nâng cấp, mở rộng QL8A lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Thi công nâng cấp, mở rộng QL8A lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Một trong những nội dung cần tập trung giải quyết trước mắt, đó là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; nhất là các dự án ODA, 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các địa phương, lĩnh vực.

“Điểm sáng” năm cũ

Nhìn lại năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả rất tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công khi xếp hạng thứ 9/114 bộ ngành, địa phương cả nước và được xem là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, tính đến hết ngày 31/12/2023, tỉnh Hà Tĩnh giải ngân được 9.982 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch Thủ tướng giao. Trước đó, đầu năm 2023, địa phương này được Thủ tướng Chính phủ giao trên 8.575 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó 83,2% kế hoạch do địa phương triển khai.

46 địa phương, đơn vị trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân vốn bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý đạt trên 83,2% kế hoạch vốn giao. Có thể điểm qua một số địa phương, đơn vị có số vốn được giao lớn, điển hình như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh đạt 89%; UBND các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đều đạt trên 90%...

Để có được kết quả nổi bật trên, trong năm 2023, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, xuyên suốt để yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, khó khăn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Đáng chú ý, để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công ở các sở, ban, ngành và địa phương, năm qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thành lập 3 tổ “đặc nhiệm” để rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; đồng thời phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, từ khâu lập chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tổ chức thi công… đến nghiệm thu, thanh, quyết toán và bàn giao công trình, dự án đưa vào sử dụng.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Hà Tĩnh đạt được kết quả rất nổi bật, nhưng địa phương này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa thực sự tập trung bám sát chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nên tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp so với kế hoạch đề ra; việc triển khai thực hiện các dự án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để… dẫn đến nguồn vốn phải kéo dài thời gian thực hiện và số vốn chưa giải ngân còn lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chung của tỉnh.

Cụ thể, qua số liệu thống kê, Hà Tĩnh có 28 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý đạt dưới 83,2% kế hoạch vốn giao. Đáng chú ý, trong đó có 6 đơn vị, địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn như: Sở Y tế; Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ; Hội đồng bồi thường, tái định cư thị xã Kỳ Anh; Trường Cao đẳng Nguyễn Du; UBND 2 xã Thịnh Lộc và Cẩm Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục những tồn tại nói trên, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án ODA, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu của giữa các địa phương, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, phải chủ động, tập trung xử lý các “nút thắt” về đất đai; giải quyết tốt các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiến tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Về vấn đề này, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhấn mạnh rằng: Công tác giải ngân đầu tư công cần phải được thực hiện quyết liệt, tập trung từ đầu năm. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương liên quan cũng cần tăng cường thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dự án đầu tư; đồng thời tham mưu cấp thẩm quyền thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh: Phát huy “sứ mệnh” - Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh: Phát huy “sứ mệnh” - Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

    19:36, 09/01/2024

  • Hà Tĩnh: Hàng nghìn doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan hành chính

    Hà Tĩnh: Hàng nghìn doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan hành chính

    10:21, 23/11/2023

  • Hà Tĩnh cần nâng cao đóng góp kinh tế biển vào GRDP

    Hà Tĩnh cần nâng cao đóng góp kinh tế biển vào GRDP

    17:55, 15/11/2023

HỒNG QUANG