Chính sách thuế với đồ uống có cồn, cần lộ trình cải cách phù hợp

HẢI LINH 23/01/2024 14:30

Các chuyên gia khuyến nghị, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp, trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối…

>> Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Chọn phương pháp phù hợp thực tiễn

Viện Nghiên cứu quản ý kinh tế Trung ương (CIEM), phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách”.

Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, trên thế giới hiện có 3 phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với độ uống có cồn gồm: tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán); tuyệt đối (tính theo số tiền tuyệt đối trên mỗi sản phẩm) và hỗn hợp (vừa tính theo tỷ lệ phần trăm, vừa tính theo số tiền tuyệt đối).

Phương pháp tính thuế tương đối, chủ yếu được áp dụng ở các quốc gia đang phát triển. Phương pháp tính thuế tuyệt đối, chủ yếu được áp dụng ở các quốc gia phát triển. Phương pháp thuế hỗn hợp, được áp dụng cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Hiện Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối.

ccc

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 đến nay, đã thay đổi 12 lần, kể cả về sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. Đến nay Việt Nam vẫn đang trong tiến trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cải cách thể chế và quản lý thuế.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chưa sản phẩm nào có sự thay đổi chính sách, thuế suất nhiều như rượu bia. Việc xây dựng chính sách thiếu sự đánh giá tác động toàn ngành, đối tượng có liên quan, sẽ gây nên nhiều bất cập khi thực thi, do đó khi xây dựng chính sách cần, tham vấn rộng rãi hơn với các bên liên quan.

Nên xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Cải cách chính sách thuế cần gắn với tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tự do và an toàn; đảm bảo tính ổn định và nhất quán giữa các chính sách.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, cần xác định rõ mục tiêu và chiến lược dài hạn của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với từng nhóm hàng, để xây dựng mô hình thuế và lộ trình cải cách phù hợp. Có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho 3 nhóm đồ uống có cồn do sự đặc thù của từng nhóm. Việc chuyển đổi từ cơ cấu thuế tương đối sang tuyệt đối ngay, sẽ phức tạp và gây xáo trộn. Do đó, nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp, trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối. Cần xây dựng lộ trình cải cách thuế một cách rõ ràng minh bạch và dịch chuyển dần theo hướng hệ thống thuế mong muốn. Chẳng hạn, tăng dần cấu phần tuyệt đối và giảm dần cấu phần tương đối.

ccc

Đồng tình với bà Vân, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc thay đổi hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt từ tương đối theo tỷ lệ phần trăm sang hỗn hợp, có thể sẽ có một số tác động đến thị trường tiêu thụ bia hiện nay. "Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nếu xây dựng một cách hợp lý, với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thị trường Việt Nam, thì hệ thống thuế hỗn hợp sẽ có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước là giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia", ông Phúc nhận định.

Cũng theo ông Phúc, mỗi hệ thống thuế đều có tác động riêng và khác nhau đến thị trường tiêu thụ cũng như các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ uống có cồn. Mỗi một hệ thống thuế đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, không có hệ thống thuế nào là tối ưu tuyệt đối.

"Với hệ thống thuế tương đối, chi phí thuế được tính theo giá bán sản phẩm, không phụ thuộc vào nồng độ cồn, là tác nhân chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà Chính phủ và các cơ quan liên quan đang mong muốn giảm tiêu thụ. Khi đó, sản phẩm bia giá cao, nhưng nồng độ thấp, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe hơn sản phẩm bia giá thấp, nồng độ cồn cao lại đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn. Như vậy, rõ ràng là hệ thống thuế tương đối đang tạo ra sự không công bằng về chi phí thuế giữa các sản phẩm có cùng mức nồng độ cồn.

Với hệ thống hỗn hợp, cấu phần thuế tuyệt đối tuy có gây ra chênh lệch về tỷ lệ chi phí thuế trên doanh thu giữa các sản phẩm, phần chênh lệch này là không lớn do các sản phẩm có mức tiêu thụ lớn hiện đang có mức giá tương đồng. Nếu tỷ trọng của cấu phần tương đối và tuyệt đối được xây dựng hợp lý và có lộ trình rõ ràng, hệ thống thuế hỗn hợp có thể cân bằng được các nhược điểm của cả 2 hệ thống thuế tương đối và tuyệt đối", ông Nguyễn Thanh Phúc phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần lộ trình công khai, cụ thể

    Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần lộ trình công khai, cụ thể

    11:30, 28/12/2023

  • Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ nhiều bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi

    Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ nhiều bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi

    10:00, 21/11/2023

  • Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

    Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

    04:00, 19/11/2023

  • Tại sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

    Tại sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

    09:00, 09/11/2023

  • Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn - nên chờ nền kinh tế vượt

    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn - nên chờ nền kinh tế vượt "đáy”

    02:25, 16/08/2023

HẢI LINH