Vì sao Phương Tây “bó tay” với tài sản khủng của Nga?
Nếu phương Tây nhất quyết giải ngân 300 tỷ USD đã phong tỏa của Nga thì có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu với hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế.
>>Mỹ, châu Âu còn “dư địa” nào cấm vận Nga?
Theo ước tính, tổng tài sản mang “quốc tịch” Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD đang bị các ngân hàng châu Âu, Mỹ và Canada phong tỏa. Năm ngoái, các nhà lập pháp Mỹ và G7 dự trù đạo luật vô tiền khoáng hậu để giải ngân số tiền này.
Việc tịch thu tài sản của Nga và giao chúng cho Kiev sẽ giảm bớt áp lực lên phương Tây trong việc tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, nhưng các quan chức châu Âu bác bỏ điều đó vì cho rằng quá rủi ro về mặt pháp lý. Sở dĩ phương Tây còn đắn đo là bởi, trong nền kinh tế mở hiện nay, các quốc gia đang cất giữ rất nhiều tài sản của nhau.
Nếu tài sản của Moscow tại châu Âu bị mất thì rất nhiều quốc gia có tiền gửi tại đây sẽ cảm thấy bị đe dọa, họ sẽ đồng loạt rút về, hoặc chuyển đổi, điều này khiến các ngân hàng uy tín hàng đầu bị thiệt hại.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khoảng 3.000 tỷ USD, Saudi Arabia khoảng 672 tỷ USD, các quốc gia còn lại trong khối BRICS như Brazil, Ấn Độ hiện giữ khoảng 1.000 tỷ USD.
Nguy hại hơn, các nhà đầu tư có thể rút khỏi tài sản đồng euro vì lo ngại một ngày nào đó tiền của họ cũng có thể bị phong tỏa. Ngoài ra, Moscow còn tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách tịch thu tài sản của phương Tây ở Nga, trị giá mà một số báo cáo đưa ra là 288 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent van Peteghem, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cho đến tháng 7/2023, rất thận trọng về khả năng tịch thu tài sản của Nga. Ông nói: “Chúng ta cần phải hết sức thận trọng với đề xuất đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là những gì được đưa ra bàn đàm phán phải hợp lý về mặt pháp lý và chúng ta nên tránh bất kỳ tác động nào đến sự ổn định tài chính”.
Euroclear, một trong những trung tâm lưu ký chứng khoán lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bỉ - có số lượng tài sản đáng kể ở Nga, và có thể bị Moscow tịch thu trả đũa. Điều này gây ra rủi ro ổn định tài chính cho cơ quan thanh toán bù trừ, với những hậu quả nghiêm trọng.
Thay vì tịch thu tài sản của Nga, các chính phủ EU có thể sẽ chuyển hướng sang đề xuất của Ủy ban châu Âu về phương án sử dụng phần lãi suất do tài sản này tạo ra mà không ảnh hưởng đến tiền gốc. Các quan chức cho biết, điều này có thể tạo ra khoảng 15-17 tỷ euro trong 4 năm và có thể được chuyển sang Ukraine.
Giới lãnh đạo Mỹ được cho đang tìm cách ban hành một đạo luật mới mở đường sử dụng tài sản Nga. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không thể tự quyết vấn đề này. Liệu rằng có một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề này?
Dù có đưa diễn đàn này, phương Tây cũng không thể thuyết phục được số đông, nhất là khi các quốc gia châu Âu đang bị chia rẽ.
Có thể bạn quan tâm
“Hé lộ” bí mật tăng trưởng kinh tế Nga
03:30, 30/12/2023
Trung Quốc có thể học được gì từ nền kinh tế Nga?
03:00, 05/01/2024
Kinh tế Nga đủ sức chống chịu trong năm 2024?
03:30, 19/12/2023
Khai thác tiềm năng kinh tế số nền tảng và kinh tế ngành
02:03, 27/10/2023
Trung Quốc- "động lực" mới của kinh tế Nga
04:30, 01/10/2023