Bà Rịa - Vũng Tàu: Tích cực chuyển biến
Năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giữ vững ổn định, thu ngân sách ước đạt 95.067 tỷ đồng, đạt 107,31% dự toán. Có 9/15 chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng cao.
Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) về kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và định hướng năm 2024.
- Xin ông cho biết, tỉnh BR-VT đã có các giải pháp đột phá gì để có thể giữ vững ổn định kinh tế - xã hội (KT-XH) trong năm 2023?
Với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ các bộ, ngành Trung ương đã góp phần cho tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục giữ vững ổn định.
Có 9/15 chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng cao nổi bật như: GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng 5,75%; giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 9,47%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,77%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 72,09%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,94%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,25%; Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh tăng 9,21%...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT có 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 8.429ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 56,29%; có 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng đạt 66,47%. Các KCN đã thu hút 555 dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 61,06%, trên 6 cụm công nghiệp đang hoạt động. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 2.005 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 1.098 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 458 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31.535,5 triệu USD, tổng vốn đầu tư thu hút mới và tăng thêm của các dự án đầu tư trong và ngoài nước, sau quy đổi đạt khoảng 61.628,5 tỷ đồng; 710 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 384.983,2 tỷ đồng.
Tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn giai đoạn 2023-2025; Cảng cạn Phú Mỹ chính thức hoạt động tháng 10/2023, góp phần hỗ trợ cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải.
- Việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. UBND tỉnh đã có nhiều mô hình cải cách hành chính (CCHC) đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ngày thứ Sáu không hẹn”, Ngày thứ Hai không viết” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.
Tỉnh cũng đã thiết lập trang thông tin PCI và fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2022, BR-VT là 1 trong 5 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao nhất nước và dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, phát triển KT-XH. Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước định kỳ 2 lần/1 năm. Tổ chức các hội thảo chuyên đề thuộc các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như cảng biển, du lịch, logictic, ít nhất mỗi lĩnh vực được tổ chức 1 lần/năm. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh (997) để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Mục tiêu của tỉnh là giữ vững vị trí top đầu của cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PCI và vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI những năm tới.
- Vậy mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 được tỉnh đề ra như thế nào thưa ông?
Trong năm 2024, tỉnh đề ra 50 chỉ tiêu thực hiện về KT-XH như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng trưởng 8,5%; tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt cao so với năm 2023; tỉnh phấn đấu thu hút 2 tỷ USD và 20.650 tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Tỉnh định hướng tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giữ vững ổn định mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo đảm cân đối vốn trung hạn cho đầu tư phát triển và triển khai các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong việc thực hiện 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng trong liên kết vùng.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các KCN, CCN…Tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh, xây dựng BR-VT văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm