Kiên Giang: Luôn đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Trong năm 2023 Kiên Giang đã giải quyết việc làm cho gần 37.000 lượt lao động trong và ngoài tỉnh, vượt kế hoạch được giao 105,3%.
Trong đó lao động qua đào tạo đạt gần 25.000 lao động, với chuyên môn từ sơ cấp đến cao đẳng, qua đó đáp ứng cơ bản nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Giám đốc Sở Lao động - Thương Bình và Xã hội (Sở LĐTBXH), ông Đặng Hồng Sơn cho biết, trong năm 2023 công tác phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất trong xã hội luôn được tỉnh tập trung phát triển. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch, trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động.
Cụ thể trong năm 2023 đã giải quyết việc làm cho gần 37.000 lượt lao động; thực hiện đào tạo gần 25.000 người, trong đó dạy nghề thường xuyên và đào tạo nghề lao động nông thôn là hơn 20.000 lượt người. Riêng đào tạo lại lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thì ngân sách tỉnh đã bỏ ra trên 3 tỷ đồng để đào tạo cho trên 2.000 lao động. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 72%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chiếm trên 51,5 %.
Trong năm qua Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang đã tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có thế mạnh và tiềm năng của tỉnh như: công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thủy sản; cơ khí sửa chữa; điện công nghiệp; công nghiệp may mặc; da giày… góp phần cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề tại các khu, CCN.
Tuy nhiên theo ông Sơn, việc thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở Kiên Giang vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Về chất lượng nguồn nhân lực tuy đã nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế; Lao động trực tiếp trong sản xuất xã hội còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cao. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang đang xây dựng các giải pháp khắc phục những hạn chế trên, đó là: thực hiện đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong công tác phát triển nguồn nhân lực.
“Để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho ít nhất 35.000 lao động của tỉnh Kiên Giang trong năm 2024, với áp lực đó buộc chúng tôi phải đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo...”, ông Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm