Phủ xanh du lịch Việt Nam
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phát triển du lịch xanh cần quan tâm 3 nội dung cơ bản gồm: Quản lý du lịch xanh, Sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh và Tiêu dùng du lịch xanh.
>>Chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững cho năm 2024
Chia sẻ với Doanh Nhân, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, quan điểm phải phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, là “chìa khoá” của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
- Thưa ông, mặc dù được nhấn mạnh trong nhiều chính sách ban hành từ trung ương tới địa phương, tuy nhiên, các mô hình du lịch xanh tiêu biểu cũng đã được vận hành ở một số điểm đến, cơ sở lưu trú trên cả nước vẫn được đánh giá là còn gặp phải nhiều rào cản. Nhận định của ông về thực tế này, thưa ông?
Trên thực tế, nhiều địa phương trong nước đã ban hành những quy định riêng về phát triển du lịch xanh trên địa bàn. Các mô hình du lịch xanh tiêu biểu cũng đã được vận hành ở một số điểm đến, cơ sở lưu trú trên cả nước.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong quá trình triển khai còn gặp phải những tồn tại, bất cập như: khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường. Thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch, vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng…
Chưa kể, vẫn còn nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư vào hạ tầng và các tiện ích để hỗ trợ phát triển du lịch xanh; sự hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương trong triển khai các hoạt động du lịch xanh đôi khi cũng chưa chặt chẽ…
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp nhằm “xanh hóa” du lịch Việt Nam, hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thưa ông?
Trước hết, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch cần tính đến bài toán “xanh hóa” và “bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về phát triển du lịch xanh cho đội ngũ nhân lực du lịch và du khách, cần có cách kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức các dự án du lịch xanh nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng; đồng thời có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường du lịch, cũng như khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tổ chức có sáng kiến, cống hiến trong phát triển du lịch xanh, bền vững…
- Trong hành trình chạy đua theo định hướng "Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện", ông kỳ vọng ra sao về sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam đã có bước tiến tích cực trong việc hình thành xu hướng du lịch xanh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, sâu sắc hơn cho cả du khách và điểm đến.
Trong thời gian vừa qua, đón đầu xu hướng du lịch xanh, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh. Một số tour du lịch xanh tiêu biểu đã được hình thành, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, như tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo...
Từ đó cho thấy rằng, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Tôi tin rằng, cùng với sự đồng hành phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương và sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cơ quan quản lý, trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt và tận dụng xu thế lựa chọn du lịch xanh của du khách để hài hòa mâu thuẫn lâu nay giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng, mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch ngoại thành Hà Nội
03:00, 26/01/2024
Thúc đẩy du lịch thông qua kết nối hàng không với Trung Quốc
02:00, 26/01/2024
Thúc đẩy quảng bá, phát triển du lịch ASEAN+3
00:30, 25/01/2024
Tích cực xây dựng hệ sinh thái thông minh cho du lịch Việt
03:00, 24/01/2024
Lấp khoảng trống thiếu hụt nhân sự để du lịch phát triển bền vững
20:05, 24/01/2024