Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VIII là cơ sở giúp đảm bảo nguồn điện kịp thời và giảm nguy cơ thiếu điện giai đoạn năm 2025 – 2030.
Đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
Thưa ông, sau khi quy hoạch điện VIII ban hành, ông có những kỳ vọng gì về kết quả phát triển năng lượng tạo (NLTT) của Việt Nam trong những năm mới?
Quy hoạch điện VIII đã đưa cụ thể danh mục các dự án nguồn điện lớn, ưu tiên quan trọng cấp quốc gia. Đối với các nguồn NLTT (điện gió, mặt trời, thủy điện, điện sinh khối, điện rác) và các nguồn khác, dự thảo đã đưa ra tổng quy mô công suất phát triển các nguồn điện gió, mặt trời theo phạm vi 6 vùng và theo chu kỳ 5 năm, thuận tiện cho việc lập kế hoạch, điều hành, điều chỉnh và giám sát thực hiện quy hoạch.
Đây là một quy hoạch được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng - định hướng chuyển đổi dần nhiên liệu khỏi nhiên liệu hóa thạch từ các nhà máy điện than, điện khí sang biomass, amoniac, khí trộn, hydro… vào cuối vòng đời công trình, trước năm 2050.
Điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch điện VIII, là việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo. Tỉ lệ điện tái tạo sẽ vào khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%, đây là một bước đột phá, ưu tiên phát triển về NLTT.
>>Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư
Nhằm thúc đẩy phát triển tỉ lệ công suất điện năng lượng tái tạo theo mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, theo ông Chính phủ sẽ cần thực hiện như thế nào?
Để đẩy mạnh phát triển các nguồn NLTT phục vụ nhu cầu của nền kinh tế và đời sống xã hội, theo tôi Chính phủ cần thực hiện sớm những kế hoạch sau:
Một là cơ chế giá điện, các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Do đó, ở thời điểm này cần chuyển sang một cơ chế hiện đại hơn, mới hơn, làm sao để tiếp cận được gần hơn với thị trường, đảm bảo thay đổi nhanh với những biến động của thị trường về chi phí, giá thành của các loại hình NLTT, đảo bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.
Hai là tính toán, dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện, rà soát tiến độ các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện cần đưa vào vận hành tại các mốc năm 2025 và 2030, cần phân loại dự án lưới truyền tải do Nhà nước đầu tư và dự án xem xét xã hội hóa.
Ba là tính toán nhu cầu sử dụng đất cho đầu tư phát triển điện lực và các giải pháp, nguồn lực thực hiện tương ứng với kế hoạch đầu tư nguồn, lưới điện đến năm 2030. Phân loại dự án đầu tư công và dự án ngoài nhà nước cũng như nhu cầu vốn đầu tư và vốn khác ngoài đầu tư công; xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch.
Bốn là sớm ban hành hướng dẫn mua bán điện trực tiếp giữa các chủ đầu tư dự án NLTT với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ điện để giảm tải lưới điện.
Năm là đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu lưu trữ năng lượng hoặc sản xuất hydrogen sử dụng NLTT với tiêu chí kỹ thuật khả thi và giá thành phù hợp để phát huy hết tiềm năng NLTT, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Trước mắt, đâu là những chính sách đột phá phát triển NLTT cho năm 2024, thưa ông?
Theo tôi cần hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định của pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện, nội địa hóa các chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị NLTT; Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất.
Đồng thời xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện triệt để các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quyết định 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt sớm ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
14:07, 25/12/2023
Năng lượng tái tạo - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế Bạc Liêu thời gian tới
11:50, 08/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
04:00, 03/12/2023
Tạo điều kiện cho các tỉnh thu ngân sách từ các dự án năng lượng tái tạo
11:02, 02/11/2023
Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
17:08, 12/10/2023
Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư
05:00, 06/10/2023