Mở rộng cánh cửa hội nhập của doanh nghiệp Việt với tâm thế mới
VCCI sẽ tiếp tục mở đường cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như tạo ra những giá trị mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
>> Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary còn nhiều dư địa hợp tác
Chuyến công du tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới ba nước châu Âu của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh đã góp phần lan tỏa hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam năng động, tích cực đến gần hơn với thế giới, đồng thời mang đến cơ hội hợp tác đầu tư mới trong các lĩnh vực có giá trị cao.
- Xin ông cho biết, những dấu ấn đáng nhớ của VCCI trong chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024) và đâu là những nội dung đáng chú ý cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Diễn đàn kinh tế WEF thường niên là diễn đàn kinh tế uy tín hàng đầu thế giới, là nơi hội tụ tinh hoa của các tư tưởng, nơi định hình những dòng chảy đầu tư, kinh doanh toàn cầu, nơi bàn về các vấn đề kinh tế đương đại như phát triển bền vững, đối tác công tư, đối phó với biến đổi khí hậu…
Có thể thấy, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại WEF đã để lại ấn tượng sâu sắc về những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, các định hướng, chiến lược phát triển đất nước và chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam; cũng như những đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian Hội nghị, Thủ tướng đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư- khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tài chính xanh, y tế, sở hữu trí tuệ.
Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, VCCI đã tới WEF năm nay để nắm bắt được các xu thế, ý tưởng hợp tác mới, cũng như cảm nhận được dòng chảy kinh doanh đầu tư đương đại, của các xu hướng mới của kinh tế toàn cầu và cách thức vận hành của thế giới hậu đại dịch.
Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, hội nghị WEF năm nay thể hiện cam kết trong việc chỉ ra và khắc phục những khó khăn liên quan đến niềm tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như kinh tế, chính trị và xã hội. Niềm tin được củng cố từ sự tăng cường tính minh bạch, thống nhất và trách nhiệm giải trình; thúc đẩy đối thoại cởi mở, xây dựng giữa các nhà lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; từ đó thắt chặt thêm các quan hệ hợp tác, tạo đòn bẩy cho những nỗ lực vì mục tiêu PTBV.
Đây cũng có thể coi là một trong những dấu ấn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới: khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang kinh doanh bền vững, thì việc lựa chọn các mô hình kinh doanh “vị tự nhiên” - kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; ứng phó biến đổi khí hậu;… hay áp dụng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị); cũng như thực hiện đổi mới sáng tạo và mở rộng quan hệ hợp tác chắc chắn sẽ “dẫn lối” cho DN đến với các nhà đầu tư, các đối tác ở trong nước và quốc tế.
Bên lề WEF 2024, VCCI cũng đã tham dự các buổi làm việc, tiếp xúc của Thủ tướng với các tổ chức đối tác, các định chế tài chính, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Qua đó, VCCI và các đối tác đã cùng trao đổi và xây dựng các chương trình hợp tác để tăng cường thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, điển hình như VCCI đề xuất phối hợp với Chủ tịch Hội các chủ doanh nghiệp trẻ thế giới (YPO) để tổ chức các sự kiện quốc tế thúc đẩy giao lưu doanh nghiệp, thương mại – đầu tư tại Việt Nam vào năm 2025.
Đặc biệt, trong cuộc gặp và làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), tôi đã chủ động đề xuất các hoạt động hợp tác để tăng cường sự hiện diện, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các sự kiện bên lề của WEF tại Davos trong thời gian tới.
Cùng với đó, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), một thành viên trong Mạng lưới toàn cầu của WBCSD, cũng như sẽ tích cực giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm Thành viên WBCSD – một sân chơi lớn của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hướng tới kinh doanh bền vững, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với WBCSD khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) trong các hoạt động của WBCSD APAC sắp tới đây.
Những nỗ lực này của VBCSD-VCCI rõ ràng sẽ mang đến những tác động cộng hưởng để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt, đưa doanh nghiệp Việt vươn ra “biển lớn” nhanh hơn, mạnh mẽ hơn với một tâm thế mới.
- Ông có thể chia sẻ những cột mốc quan trọng nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, thưa ông?
Tôi đã có buổi làm việc với ông Endre Ascsillán, Chủ tịch Uỷ ban ASEAN, thành viên Uỷ ban quan hệ quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hungary (HCCI).
Trong những năm qua, HCCI và VCCI đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp và bền vững. Hai bên đã có những trao đổi hiệu quả về cách thức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác vào 2 mảng chính là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cơ hội kinh doanh tại mỗi nước.
Có thể nhận thấy doanh nghiệp Hungary có nhiều kinh nghiệm liên quan đến tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo… Đây là nền tảng hứa hẹn cho sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước khi Hungary nhìn thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam, thông qua sự lớn mạnh của các doanh nghiệp.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, VCCI và HCCI đồng ý cần phải xây dựng nền tảng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kết nối trực tiếp và xem xét khả năng xây dựng mô hình hợp tác giữa trường đại học, phòng thương mại nhằm đào tạo doanh nghiệp trẻ hai nước trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh.
Một điểm đáng chú ý là với vai trò là Chủ tịch Asean BAC Vietnam, VCCI sẵn sàng làm cầu nối hợp tác chặt chẽ với HCCI nhằm giúp doanh nghiệp Hungary nói riêng và EU nói chung tham gia sâu hơn vào khu vực theo mô hình các nước lớn đã có như Asean - Trung Quốc; Nhật Bản; Hoa Kỳ…
>> Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam - Romania tăng cường kết nối đầu tư
- Được biết, đoàn làm việc của Thủ tướng còn có chuyến thăm Romania. Xin ông cho biết thêm những kết quả nổi bật, thưa ông?
Việt Nam và Romania có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Romania là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa Hungary, Romania với ASEAN và ngược lại Hungary, Romania là cầu nối giữa Việt Nam với châu Âu.
Trong chương trình thăm chính thức Romania, Thủ tướng Chính phủ có chuyến thăm ngắn và gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Prahova, một trong những trung tâm kinh tế lớn của Romania; đồng thời tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Romania tại thủ đô Bucharest.
Trước thềm các sự kiện, VCCI đã có buổi làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova Aurelian Gogulescu và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Romania (CCIR) Mihai Daraban. Đây là hai đối tác truyền thống lâu đời của VCCI khi Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova đã ký thỏa thuận hợp tác với VCCI từ năm 2001, và ký kết với Phòng thương mại và Công nghiệp Romania vào năm 2008.
Trước bối cảnh các cơ hội và tiềm năng của hai nước hiện nay, cũng như nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên hiện thực hoá các cơ hội thương mại và đầu tư, dự kiến VCCI sẽ xem xét ký kết lại MOU trong thời gian tới để khai mở những tiềm năng hợp tác mới trong các lĩnh vực mang lại giá trị cao.
Các doanh nghiệp Romania là những đối tác có thế mạnh trong các lĩnh vực như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ôtô, năng lượng tái tạo, khai khoáng, lọc hóa dầu… Đây sẽ là cơ hội hợp tác tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, để từ đó thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu.
- Sau chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới ba nước châu Âu, ông có thể cho biết trong thời gian tới, VCCI sẽ có kế hoạch gì để khai thác tối đa những kết quả tốt đẹp trong chuyến công du vừa qua?
Trong tương lai, VCCI mong muốn được tiếp tục phối hợp với các đối tác như WEF, YPO, WBCSD... và các Bộ, ngành tại Việt Nam để tổ chức các sự kiện lớn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Việt Nam. Vào năm 2010 và 2012, VCCI đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức WEF Đông Á tại thành phố Hồ Chí Minh và được các nhà lãnh đạo tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá thành công vượt mong đợi, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với đó, VCCI sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống như với Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova, Phòng Thương mại Romania và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hungary, các Đại sứ quán cũng như các hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary và Romania trong việc phối hợp và triển khai các hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn doanh nghiệp… để tăng cường đầu tư kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sang Hungary và Romania phát triển thị trường và ngược lại.
Có thể khẳng định rằng, VCCI sẽ tiếp tục mở đường và chắp cánh cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo ra những giá trị mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm