Khai phá tiềm năng thị trường Mỹ
Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam – Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững văn hóa kinh doanh nước sở tại để thâm nhập sâu vào thị trường này.
>> Doanh nghiệp tìm kiếm nhiều đơn hàng mới từ thị trường Mỹ
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư (VBI Global) có trụ sở tại Mỹ, về vấn đề này.
Hoa Kỳ vẫn luôn nổi danh với các đế chế kinh doanh của họ. Theo ông, có những đặc trưng nào làm nên văn hóa kinh doanh của người Mỹ?
Người Mỹ đề cao tinh thần cá nhân, cho nên trong kinh doanh họ thường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong công việc của từng cá nhân.
Bên cạnh đó, người Mỹ thường giao tiếp trực tiếp, cởi mở và thẳng thắn. Họ thường tập trung vào kết quả cuối cùng, không quá quan tâm đến các thủ tục rườm rà.
Mặc dù có sự khuyến khích cá nhân sáng tạo, nhưng họ vẫn nhấn mạnh vào việc làm nhóm. Đối với doanh nghiệp Mỹ, những kết quả tốt nhất có thể đến được từ việc hợp tác.
Sở dĩ người Mỹ có thể “chiến thắng thị trường” là bởi tư duy tập trung vào khách hàng của họ. Doanh nghiệp Mỹ thường xem khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng phải là ưu tiên hàng đầu.
Các doanh nhân Mỹ luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ và thay đổi cách làm việc để phù hợp với tình hình thực tế. Trong kinh doanh, người Mỹ thường chấp nhận rủi ro và sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới.
Một đặc điểm của các doanh nghiệp Mỹ là họ xây dựng và duy trì được một giá trị cốt lõi và tầm nhìn xuyên suốt qua nhiều năm. Theo ông, họ làm được điều đó như thế nào và nó ý nghĩa gì đối với hoạt động kinh doanh của họ?
Các doanh nghiệp tại Mỹ xác định giá trị và tầm nhìn thông qua quá trình tham vấn nội bộ. Không chỉ là suy nghĩ của riêng nhà sáng lập, quá trình đó bao gồm các cuộc họp của ban lãnh đạo, các cuộc khảo sát nhân viên và các cuộc thảo luận với các bên liên quan khác. Quá trình này thường được dẫn dắt bởi ban lãnh đạo cấp cao, những người chịu trách nhiệm xác định các giá trị và tầm nhìn phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp.
Thông qua các quyết định kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, các giá trị cốt lõi của họ càng được thể hiện rõ nét và nhất quán. Đến một mức độ nào đó, chúng sẽ trở thành nền tảng cho văn hóa doanh nghiệp của công ty và quay trở lại ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp.
>> Đừng “ăn xổi ở thì” tại thị trường Mỹ
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp có giá trị cốt lõi là “đổi mới”, họ sẽ luôn ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Tập đoàn Apple là một điển hình cho việc đeo đuổi “cái mới” đó…
Theo ông, sự khác nhau căn bản giữa văn hoá kinh doanh của Việt Nam và Mỹ là gì? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để “mở khóa” tiềm năng thị trường Mỹ?
Văn hóa kinh doanh của Việt Nam và Mỹ dựa trên hai nền văn hóa khác nhau, được hình thành và phát triển dựa trên những nền tảng lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau; mỗi bên đều có những thế mạnh của riêng mình.
Điển hình như trong giao tiếp, người Mỹ thường sử dụng ngôn ngữ trực tiếp và thẳng thắn. Họ không ngại đưa ra ý kiến của mình, ngay cả khi đó là ý kiến trái chiều. Trong khi đó, văn hóa kinh doanh của Việt Nam đề cao tinh thần tập thể, sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Tôi nhận thấy người Việt thường sử dụng ngôn ngữ gián tiếp và khéo léo. Họ thường ngại đưa ra ý kiến trái chiều, vì sợ làm mất lòng đối phương.
Hay nói đến tính thực tế và hiệu quả, văn hóa kinh doanh của Mỹ xoay quanh yếu tố thực tế và hiệu quả. Trong khi đó, cách vận hành kinh doanh của Việt Nam thường chú trọng đến các mối quan hệ, các thủ tục và quy trình nhiều hơn.
Một khác biệt quan trọng khác là tính linh hoạt. Như đã nói, tốc độ thích ứng của doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các SMEs, rất cao. Trong khi đó, văn hóa kinh doanh của Việt Nam thường coi trọng sự ổn định, truyền thống. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có tâm lý thận trọng và e ngại khi phải thay đổi hoặc đối mặt với những rủi ro và thách thức mới.
Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa văn hóa kinh doanh của Việt Nam và Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác hiệu quả hơn với đối tác Mỹ.
Để khai thác tốt hơn thị trường Mỹ, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt nên thực hiện một số việc như sau.
Thứ nhất, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa kinh doanh của Mỹ - điều sẽ giúp họ hiểu được những giá trị và hành vi được coi là phù hợp trong kinh doanh ở Mỹ.
Thứ hai là tôn trọng văn hóa của đối tác. Khi giao tiếp hoặc hợp tác với đối tác Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam nên tôn trọng văn hóa kinh doanh, thể hiện qua cách ăn mặc, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ như chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cuộc gặp, các tài liệu cần thiết,… Điều này sẽ giúp họ thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng trong mắt các đối tác.
Thứ ba là lắng nghe và thấu hiểu. Trong quá trình giao tiếp hoặc hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam nên lắng nghe và thấu hiểu đối tác. Điều này sẽ giúp họ hiểu được nhu cầu và mong muốn của đối tác, từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.
Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Startup nông sản Việt tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thị trường Mỹ
09:52, 17/11/2023
Thị trường Mỹ có tiềm năng dẫn đầu khách du lịch vào Việt Nam?
03:00, 13/09/2023
Dệt may làm cách nào để giữ vị thế xuất khẩu tại thị trường Mỹ?
04:00, 14/08/2023
Ô tô điện giá rẻ Trung Quốc sẽ "đổ bộ" thị trường Mỹ?
15:06, 17/05/2023
Xe điện VinFast xuất khẩu sang thị trường Mỹ
21:20, 25/11/2022