Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu người VN đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó tại Mỹ có hơn 3 triệu người Việt. Đây là cơ hội để các startup nông sản Việt mở rộng thị trường ra thế giới.
Theo bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation cho biết, năm 2023 nền kinh tế thế giới đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thức do xung đột chính trị tại các nước kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các đối tác thương mại quan trọng của nước ta có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí rơi vào suy thoái. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Nhưng nhìn một cách tổng quan vẫn có những điểm sáng cho ngành thực phẩm, nông sản Việt. Ngoài các mặt hàng lương thực thực phẩm cơ bản như gạo, rau củ quả đang tăng trưởng tốt thì nhu cầu các món ăn Việt, đặc sản vùng miền tại nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này cũng có một số khó khăn về thời gian, chi phí… Cụ thể, khoảng cách địa lý xa nên doanh nghiệp Việt mất lợi thế về thời gian cũng như kinh phí vận chuyển. Bên cạnh đó, mặt hàng thực phẩm trong quá vận chuyển phải đảm bảo tươi ngon và các doanh nghiệp luôn phải tuân thủ nghiêm các quy định của các cơ quan như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp, startup Việt khi sản xuất sản phẩm có bao bì không được bắt mắt, không phù hợp với thị trường quốc tế.
>>Dòng vốn đầu tư vào startup Việt sụt giảm bởi biến động kinh tế - tài chính toàn cầu
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, bà Jolie cho biết, doanh nghiệp phải đi theo con đường chính thống, cung cấp sản phẩm chất lượng, phù hợp yêu cầu, đừng làm mất uy tín của mình ở nước ngoài. Hiện các mặt hàng do LNS phân phối đã có mặt tại hơn 1.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ. Ngoài ra, LNS cũng phát triển mô hình xe tải thực phẩm chạy xuyên bang mỗi tuần, giúp sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng tại Mỹ.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH) chia sẻ, sáng tạo sản phẩm mới cũng có thể tạo ra thị trường mới. Để không tự bó hẹp phạm vi phát triển, ngay từ khi bắt đầu, các startup cần có tư duy đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất rồi tiếp cận mở rộng sang các thị trường khác. Việc xây dựng thương hiệu trong thời đại công nghệ số rất dễ nhưng đòi hỏi sự chuẩn chỉnh ngay từ đầu bởi sự lan toả thông tin hiện nay rất nhanh.
Theo ông Phạm Đình Ngãi Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm chia sẻ, lợi thế của startup chính là sự linh hoạt, dễ dàng thích nghi với các chuyển động của thị trường. Việc khai thác thị trường ngách có quy mô nhỏ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn”. Bên cạnh đó, nếu nhạy bén với xu hướng, đầu tư tương xứng cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, các startup hoàn toàn có thể trở thành người dẫn đầu trong phân khúc nhỏ về quy mô nhưng mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm